Những việc kỳ lạ xảy ra trong đám tang Bao Thanh Thiên hoàn toàn là có lý do.

Báo Sức khỏe và Đời sống ngày 18/06/2024 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: “Tại sao đám tang Bao Thanh Thiên lại có 21 quan tài và đi theo 7 hướng khác nhau?”. Với nội dung như sau: 

Khi nhắc đến những vị quan được yêu mến và kính trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ ngay đến Bao Chửng hay còn gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Công. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình. Bao Thanh Thiên có khả năng xử án bất phàm, đã giải quyết rất nhiều vụ án lớn nhỏ, hơn nữa luôn đứng về phía dân đen, chính vì vậy được người dân hết mực yêu quý.

Bao Thanh Thiên quê ở Lư Châu, Hợp Phì, nay là huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông làm quan thời Bắc Tống, quan tới tòng nhị phẩm Xu Mật Viện phó sứ, Triều tán Đại phu, Cấp sự trung, Thượng Khinh xa Đô úy, tước Đông Hải quận Khai quốc Hầu, thực ấp 1800 hộ, thực hưởng 400 hộ, nhận tử sắc kim ngư đại ngự ban. Khi mất, ông được truy thăng hàm Lễ bộ Thượng thư. Bao Thanh Thiên nổi tiếng vì sự chính trực, liêm khiết và tài xử án công chính được dân gian lưu truyền qua nhiều giai thoại.

Một trong những chuyện kỳ bí nhất xảy ra xung quanh cuộc đời Bao Thanh Thiên phải kể đến đám tang của ông. Năm 1062, Bao Chửng hưởng thọ 64 tuổi, Hoàng đế Tống Nhân Tông vô cùng thương tiếc, đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban cho ông thụy hiệu “Hiếu Túc” và đưa linh cữu về quê hương Lư Châu an táng.

Ngày diễn ra lễ tang Bao Thanh Thiên, rất nhiều người dân đã tới Phủ Khai Phong để đưa tiễn, bày tỏ lòng thương xót. Tuy nhiên, họ đã vô cùng bất ngờ và khó hiểu khi đám tang này xuất hiện tới 21 chiếc quan tài, được khiêng đi theo 7 hướng khác nhau từ cổng. Không một ai biết Bao Chửng nằm trong chiếc quan tài nào. Chính vì thế, ngoài những người khiêng quan tài thì không có người dân nào đi theo quan tài vì họ ko rõ thực sự đâu là chiếc quan tài có xác của Bao Chửng.

Có người lý giải rằng Bao Chửng vô cùng thương dân, cố tình dùng cách này để từ biệt thiên hạ, mong rằng những người dân sẽ không cần đau buồn khi đi theo để chôn cất ông.

Cũng có giả thuyết cho rằng đây là kế sách “tung hỏa mù” của Bao Thanh Thiên. Thực chất, khi Bao Thanh Thiên còn sống, ông đã làm rất nhiều chuyện tốt, phá giải nhiều vụ án, giúp dân đen đòi lại công bằng, chính vì thế đã không ít lần đắc tội với những quý tộc, quan lại quyền quý. Lúc đó, ông rất được hoàng đế trọng dụng nên không kẻ nào dám đụng đến.

Tuy nhiên khi Bao Chửng qua đời, không tránh khỏi việc những kẻ xấu có dã tâm độc ác, muốn trả thù lên di thể của ông và phá hủy phần mộ. Chính vì vậy, sự xuất hiện của 21 chiếc quan tài và đưa đi theo 7 hướng khác nhau là cách đánh lạc hướng những kẻ xấu này, tránh chúng xâm phạm mộ phần của Bao Chửng. Nhờ thế, Bao Thanh Thiên lại thêm một lần khiến người đời bái phục về sự thông minh và tâm cơ của mình.

Sự ra đi của Bao Công cũng khiến dân chúng đau buồn không nguôi. Tại vị trí của những ngôi mộ này đều có người dân thường xuyên cúng bái, thay phiên trông coi, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những lần bị xâm phạm.

Trước kia, hầu hết mọi người đều tin rằng mộ thật của Bao Chửng nằm tại Tống Lăng (huyện Củng, tỉnh Hà Nam). Nơi đây cũng thường xuyên được nhân dân cúng bái, tu sửa qua các triều đại. Nào ngờ, đây chỉ là một trong số những ngôi mộ giả của ông.

Quá trình tìm ra ngôi mộ thật của Bao Chửng không hề dễ dàng. Ban đầu, người ta tin rằng mộ của Bao Chửng nằm ở vị trí nổi bật nhất trong quần thể các ngôi mộ gia tộc họ Bao. Nhưng thực ra, để tránh nạn binh lửa và đánh lạc hướng những kẻ trộm mộ, di cốt của Bao Thanh Thiên đã được con cháu trong gia tộc họ Bao di chuyển tới chôn cất ở một nơi bí mật.

Mãi sau đó, các nhà khảo cổ học mới tìm thấy một ngôi mộ nằm lẻ loi phía ngoài rìa nghĩa trang gia tộc. Đây mới thật sự là nơi chôn cất di thể Bao Chửng.

Có thể thấy, việc an táng và bảo quản di thể Bao Chửng rất bí mật và phức tạp nhưng tất cả đều hướng tới một mục đích là để vị quan này được yên giấc ngàn thu sau khi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ lẽ phải.

Tiếp đến, báo Dân Việt ngày 19/07/2021 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Lăng mộ thực sự của Bao Công được khai quật tại đâu? Nội dung được đưa như sau:

Khi đội khảo cổ chuẩn bị hoàn thành việc khai quật lăng mộ Bao Công, một cụ già sống gần đó vội vàng chạy tới can ngăn: “Dừng tay đã, các vị đào nhầm rồi!”.

Xuất hiện trong nhiều tác phẩm truyền hình ăn khách như “Bao Thanh Thiên”“Bao Công xuất tuần”, “Bao Công kỳ án”, Bao Công là một nhân vật quen thuộc, lấy được cảm tình của nhiều thế hệ khán giả truyền hình Việt Nam. Vị quan “mặt đen” nổi tiếng về sự chính trực thanh liêm và tài xử án công chính này là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc!

Bao Chửng, tên thường gọi là Bao Thanh Thiên hay Bao Công là người Lư Châu, Hợp Phì (giờ là huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy). Ông làm quan nhà Tống, khi mất được truy thăng hàm Lễ bộ Thượng thư.
Lăng mộ thực sự của Bao Công được khai quật tại đâu? - Ảnh 1.

Bao Công nổi tiếng thanh liêm, công minh trong lịch sử nhà Tống

Nhờ tài xử án và những phẩm chất trung thực, công minh của ông mà dân gian đã thần thánh hóa nhân vật này thành “ban ngày xử án dương gian, ban đêm xử án âm phủ”. Trong văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán ông tượng trưng cho ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.

Truy tìm lăng mộ Bao Công

Mùa xuân năm 1973, thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy – vốn là quê hương của Bao Công, có kế hoạch xây dựng một lò nung vôi quy mô lớn. Theo các tài liệu của gia tộc họ Bao, lăng mộ gần 1000 tuổi của Bao Công cũng được chôn cất tại khu vực này nên thành phố đã quyết định đi tìm lăng và khai quật giải cứu lăng trước khi tiến hành xây dựng công trình.

Một nhóm khảo cổ địa phương bao gồm 10 người cùng các nhân viên bảo tàng và hậu duệ gia tộc họ Bao đã lập một đội tìm kiếm vị trí lăng mộ. Việc tìm kiếm đã gặp rất nhiều khó khăn bởi không ai thực sự có manh mối gì về nơi chôn cất của vị quan nhà Tống.
Lăng mộ thực sự của Bao Công được khai quật tại đâu? - Ảnh 2.

Lăng mộ Bao Công nguyên thủy được mở cửa cho khách tới tham quan

Điều này là do lúc sinh thời, Bao Công đã trừng trị không dưới 30 người là đối tượng quyền quý, hoàng thân quốc thích trong xã hội đương thời. Thậm chí ngay cả cha đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức. Việc làm này đã khiến nhiều kẻ nảy sinh lòng thù hận, muốn lợi dụng cái chết của ông để trả thù.

Hiểu rõ điều này, khi Bao Công qua đời, hậu duệ của ông đã làm 12 chiếc quan tài giống hệt nhau, đi tang từ 7 cổng thành ở Hợp Phì để che mắt những kẻ nuôi ý định trả thù.

Để bảo vệ vị quan thanh liêm, không có tài liệu nào ghi chép chính xác vị trí lăng mộ ông. Đã gần 1000 năm trôi qua, và ngay cả con cháu của Bao Công cũng không biết Bao Công được chôn cất ở đâu.

Sau nhiều cố gắng, nhóm khảo cổ năm 1973 đã tìm thấy một lăng mộ thời Tống quy mô nhỏ nhưng có nhiều điểm đáng nghi, tạm gọi là “lăng mộ số 1”. Đây là một lăng mộ đất thô sơ, không có tầng đất nện và cũng không có bất kỳ hố trộm nào.

Bề ngoài đơn sơ là vậy nhưng bên trong lăng mộ, đội khảo cổ tìm thấy một chiếc quan tài bằng gỗ trinh nam cao cấp và 2 mảnh văn bia đã bị vỡ.
Lăng mộ thực sự của Bao Công được khai quật tại đâu? - Ảnh 3.

Tấm văn bia được tìm thấy trong “lăng mộ số 1”

Khi mở nắp quan tài, các chuyên gia bất ngờ phát hiện những phần hài cốt nằm lộn xộn bên trong, thậm chí một số xương còn bị gãy. Điều này cho thấy đây vốn không phải nơi đầu tiên chủ mộ được chôn cất mà là một lăng mộ đã được di dời. Ai đó đã vội vàng thu thập di cốt này và chuyển nó vào trong lăng mộ mới.

May mắn thay, hai mảnh văn bia dù bị hỏng nhưng sau khi ghép lại vẫn có thể đọc được đây là bia mộ của Bao Chửng và vợ ông.

Các chuyên gia đã kiểm tra nhanh 34 mảnh xương trong quan tài, kết quả xét nghiệm cho thấy đây là xương nam giới, độ tuổi ngoài 40. Dữ liệu này trùng khớp với cái chết của Bao Công trong sử liệu.

Lăng mộ Bao Công thật sự nằm ở đâu?

Những tưởng việc tìm kiếm khai quật lăng mộ của Bao Công sẽ dừng lại tại đây, song nhóm khảo cổ lại bất ngờ gặp được một ông cụ có tên Xia Guanghong. Cụ Xia phát hiện nhóm khảo cổ đang khai quật khu vực “lăng mộ số 1” thì vội vàng chạy tới can ngăn: “Dừng tay đã, các vị đào nhầm rồi!”

Ông cụ tự nhận gia đình mình là những người canh giữ lăng mộ Bao Công trong nhiều thế hệ. Lăng mộ mà đội khảo cổ vừa đào được ban đầu chỉ là lăng mộ giả, do có quá nhiều kẻ dòm ngó, định cướp phá hoặc trả thù nên hài cốt và văn bia của Bao Công đã được chuyển từ mộ thật tới đây. Lăng mộ nguyên gốc của vị quan nhà Tống nằm kín đáo tại mộ cánh đồng cải dầu.
Lăng mộ thực sự của Bao Công được khai quật tại đâu? - Ảnh 4.

Quang cảnh lăng mộ nguyên thủy hoang tàn vì bị phá hoại

Quang cảnh lăng mộ nguyên thủy hoang tàn vì bị phá hoại

Sau khi xác nhận danh tính của nhóm khảo cổ, ông Xia đã dẫn cả đoàn tới vị trí lăng mộ nguyên thủy của Bao Công. Đây là một ngôi mộ đá uy nghiêm, quy mô lớn, nền mộ được lát gạch hoàn chỉnh.

Tuy nhiên điều đáng tiếc là lăng mộ đã bị nhiều kẻ tìm đến phá hoại nghiêm trọng, không có nhiều di tích văn hóa được tìm thấy. Đội khảo cổ chỉ thu thập một số lượng tượng gỗ cho quan nhị phẩm thời Tống và một chiếc bàn gạch để đặt văn bia.

Sau cùng, các chuyên gia đã kết luận ngôi mộ dưới cánh đồng cải dầu này chính là lăng mộ nguyên thủy của Bao Thanh Thiên.