Thời gian đào tạo tiêu chuẩn quy định đối với nghiên cứu sinh có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 3 năm, thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với nghiên cứu sinh có bằng đại học nhưng chưa có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 4 năm.

Thời gian đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ luật của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2021, tức sau 2 năm kể từ khi nhận bằng cử nhân luật tại chức ở trường này năm 2019.

Tranh luận việc Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ, quy định về đào tạo của Trường ĐH Luật Hà Nội thế nào?- Ảnh 1.

Trường Đại học Luật Hà Nội, nơi Thượng tọa Thích Chân Quang học tiến sĩ. Ảnh: TL

Đã có nhiều ý kiến thắc mắc Thượng tọa Thích Chân Quang lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào, vì sao chỉ trong 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học mà đã có bằng tiến sĩ? Vậy việc đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Luật Hà Nội được quy định thế nào?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, theo Quyết định 2744 ngày 16/8/2021 của Trường Đại học Luật Hà Nội quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, thời gian đào tạo tiêu chuẩn quy định đối với nghiên cứu sinh có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 3 năm (36 tháng), thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với nghiên cứu sinh có bằng đại học nhưng chưa có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 4 năm (48 tháng).

Thời gian trên được tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập hội đồng đánh giá luận án cấp trường.

Ngoài ra, theo quy chế, hiệu trưởng được xem xét, quyết định cho nghiên cứu sinh được rút ngắn hoặc gia hạn thời gian đào tạo so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Cụ thể, nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn không vượt quá 6 năm (72 tháng).

Tiêu chuẩn học tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội

Ngoài ra, Điều 5, Quyết định 2744 ngày 16/8/2021 của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nêu rõ, đối tượng dự xét tuyển nghiên cứu sinh bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài có đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Cụ thể, người dự tuyển nghiên cứu sinh phải đáp ứng các điều kiện chung sau: Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển.

 

Có kinh nghiêm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu hoặc bài báo, báo cáo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tại hội nghị, hội thảo khoa học có phản biện hoặc có thời gian công tác từ 2 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.

Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

Người dự xét tuyển nghiên cứu sinh là công dân Việt Nam phải có năng lực ngoại ngữ, được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ: Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài.

Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.

Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Phụ lục II của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quyết định của Hiệu trưởng, trừ trường hợp là người bản ngữ có ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Ngoài ra, Quyết định 2744 ngày 16/8/2021 của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nêu, chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ có khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp thạc sĩ và tối thiểu 120 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp đại học, không qua đào tạo thạc sĩ thuộc cùng nhóm ngành.

Tổng thời lượng các học phần bắt buộc và tự chọn tối đa 16 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có đầu vào trình độ thạc sĩ, tối thiểu 30 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có đầu vào trình độ đại học.

Các học phần bắt buộc nhằm trang bị cho nghiên cứu sinh phương pháp và kỹ năng nghiên cứu độc lập, phương pháp và kỹ năng tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý ở trình độ chuyên sâu và chuyên nghiệp.

Các học phần tự chọn có nội dung gắn với đề tài nghiên cứu của luận án, mỗi học phần tối thiểu 2 tín chỉ.

Tổng thời lượng nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ tối thiểu là 74 tín chỉ, bao gồm: Tiểu luận tổng quan và các chuyên đề tiến sĩ; Các sản phẩm nghiên cứu khoa học trong danh mục được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính điểm, được công bố trong nước hoặc quốc tế trước khi nộp luận án để bảo vệ tại đơn vị chuyên môn.

Các sản phẩm nghiên cứu khoa học được quy đổi từ hoạt động tham gia hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề và các sản phẩm khác theo quy định của trường.