Sư Thích Minh Tuệ với đầu trần, chân đất đi bộ từ nam chí bắc, ôm lõi nồi cơm điện để khất thực và nhặt vải vá lại thành áo đã trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật. Cùng nhìn lại hành trình của ông và những tác động xã hội to lớn của hành trình ấy.

Trong các video trên mạng xã hội cũng như bài phỏng vấn với báo chí, sư Minh Tuệ thường xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường, thường xưng là “con”.

Việc tu sĩ này “tự nguyện dừng đi bộ khất thực” cũng khiến người dân bàn tán, đặt ra nhiều nghi vấn.

Sư Thích Minh Tuệ là ai?

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam vào hôm 3/6 cho biết sư Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú. Ông “sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định”.

Ban Tôn giáo Chính phủ đồng thời thông tin rằng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo” và vị hành giả “không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật”.

Đề cập đến chặng đường tu tập của sư Minh Tuệ, Ban Tôn giáo Chính phủ nêu:

“Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 03 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại… Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng – Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung.”

Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến lần đi bộ khất thực xuyên Việt lần thứ tư của vị tu sĩ thu hút được nhiều sự chú ý. Người dân ra đường đón tiếp cũng như đi theo ông ngày một đông.

Sư Thích Minh Tuệ

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN TIẾN

Chụp lại hình ảnh,Sư Thích Minh Tuệ không tự nhận mình là tu sĩ Phật giáo

Cách tu tập của sư Minh Tuệ

Chia sẻ với báo giới, nhà sư đã xin phép gia đình xuất gia để được “giải thoát” từ năm 2015. Ông cũng có tu tập ở một ngôi chùa trong thời gian ngắn, được đặt pháp danh Thích Minh Tuệ.

Sau khi rời chùa, ông vẫn giữ pháp danh Thích Minh Tuệ, khởi sự tu 13 hạnh đầu đà và bộ hành khất thực từ nam chí bắc. Những năm qua, sư Minh Tuệ không thuộc bất kỳ nhà chùa hay cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo tư liệu Phật giáo, pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não.

Trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi.

Một các giản lược thì các pháp hạnh này bao gồm: mặc áo tự may từ vải nhặt được trên đường; chỉ có ba y (ba áo thôi); khất thực để ăn; mỗi ngày chỉ ăn một bữa trước giờ Ngọ; không xin nhiều thức ăn để dành; không nhận lời tới tịnh xá hoặc chỗ của cư sĩ để ăn; không ngủ trong tịnh thất hoặc nhà, chỉ ngủ nghĩa địa, gốc cây ngoài trời; du hành từ nơi này qua nơi khác; chỉ ngủ ngồi (không nằm).

Trong hàng đệ tử Phật, tôn giả Ca Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu đà.

Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn, tu sĩ Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được nhà nước Việt Nam công nhận, nhận xét:

“Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật.

“Còn nếu người đó có tham gia bất kỳ một tổ chức nào, hay là với vai trò gì, nhưng đi ngược lại lời Phật thì đó là người giả tu, người không tu hành chân chính.”

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất viết về trường hợp sư Minh Tuệ như sau:

“Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?”

Trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN TIẾN

Chụp lại hình ảnh,Theo tài liệu Phật giáo, trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi