Lớp học của thầy giáo Khánh bắt đầu từ túp lều nhỏ trên khu đất trống chỉ với đôi, ba học sinh. Đến nay, cơ sở vật chất đã có phần khang trang hơn nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy Khánh.
“Chỉ sợ các em bỏ học vì nghèo”
Lớp học nghĩa tình của thầy Hoàng Trọng Khánh (39 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) bắt đầu từ 17h30 đến 21h đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, chia thành hai ca học, mỗi ca hai khối. Các môn học gồm có Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Anh.
Nằm trên đường 22, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM, lớp học này chỉ vỏn vẹn 30m2, cũng là nơi trọ của anh Khánh. Thầy giáo là công nhân một công ty thuốc tại TP.HCM, dạy miễn phí cho khoảng 50 học sinh, chủ yếu là con công nhân từ lớp 6 đến lớp 9.
Hồi mới về khu này ở, trong một lần đến nhà bạn chơi, anh Khánh tình cờ thấy mấy đứa trẻ con đang ngồi học cạnh những ngôi mộ ven đường. Mặt mũi lấm lem, say sưa đọc từng trang sách đến khi trời sụp tối không còn rõ mặt chữ.
Biết hoàn cảnh các em khó khăn lại đam mê cái sự học, anh Khánh quyết định mở một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây. Ban đầu, lớp học chỉ sơ sài giữa một khu đất trống, Số lượng học sinh sau đó dần tăng lên, thầy giáo công nhân quyết định thuê ngôi nhà nguyên căn để vừa làm nơi ở, vừa dạy lũ trẻ. Thấy anh làm thiện nguyện, chủ nhà chỉ lấy 3 triệu đồng/tháng.
Thầy giáo Khánh vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, không được học hành đầy đủ nên anh thấu hiểu nỗi khát khao được đến trường, được biết con chữ. “Có kinh nghiệm dạy kèm từ thời sinh viên, tôi quyết định dạy miễn phí cho các bé. Tôi độc thân nên sống sao cũng được, chỉ sợ các em bỏ học vì nghèo”, thầy giáo công nhân 31 tuổi tâm sự.
Để có tiền trang trải chi phí cho lớp học, anh Khánh phải làm nhiều công việc cùng một lúc. Ban ngày anh làm công nhân tại công ty thuốc thú y. Thời gian rảnh, anh nuôi gà kiếm thêm thu nhập. Cứ thế, mỗi tháng anh có khoảng 6 triệu đồng để trang trải mọi chi phí.
Dù số tiền lương ít ỏi nhưng thầy giáo công nhân vẫn tự mình mua sắm mọi dụng cụ học tập cho các em từ bàn ghế, bảng, quạt,.. cho lớp học nghèo thêm tươm tất.
Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy giáo Khánh còn chỉ dạy các em kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế. Những đứa trẻ vì thế rất ngoan ngoãn, cư xử lễ phép và nghiêm chỉnh trong giờ học.
Mong có nhiều sức khỏe để duy trì lờp học
Để có cách dạy phù hợp theo đúng chương trình mới của Bộ Giáo dục, anh Khánh phải tự trau dồi, thường xuyên học hỏi các thầy cô giáo khác bởi anh biết mình chỉ là “tay ngang”.
Ngoài việc ước có thật nhiều sức khoẻ để duy trì lớp học, anh còn mong mỏi lớp học sinh khi đã trưởng thành sẽ quay về phụ anh đứng lớp, truyền tri thức cho thế hệ sau.
“Làm việc cả ngày mệt mỏi và áp lực, nhưng mỗi khi đi làm về nghe tiếng ‘chú Khánh ơi’ của mấy đứa nhỏ tôi lại thấy ấm áp, có thêm động lực. Có nhiều em là học sinh giỏi của trường, của khối”, anh Khánh tự hào kể.
Ðể khuyến khích các em, mỗi tháng một lần, anh Khánh lại trích một phần thu để mua đồ ăn vặt, sách vở để thưởng cho học trò. Các em khi thiếu đồ dùng học tập cũng được anh tặng miễn phí.
Lớp học nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm và nghị lực của anh Khánh đến nay đã hoạt động được tròn 10 năm. Học trò của anh Khánh nhiều lớp đã vào đại học. Còn thầy giáo công nhân nghèo vẫn ngày ngày trong căn phòng trọ ấy, miệt mài vun vén cho sự nghiệp “trồng người”…
https://youtu.be/boltU4UUA1M?t=13
Tổng hợp
HChu/ thongtinngaynay.com