Bộ phim không chỉ là huyền thoại của nền phim ảnh Trung Quốc mà còn trở thành tuổi thơ của nhiều thế hệ, trong đó có lứa 8x, 9x của Việt Nam.
Tây du ký là tác phẩm kinh điển, có sức sống mãnh liệt trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân, khắc họa hành trình đi đến Tây Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng.
“Tây du ký là minh chứng rõ nét cho câu nói nghệ thuật chân chính sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng trước quy luật tàn phai của thời gian. Bốn nhân vật bước ra từ trang sách là Đường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ”, khán giả bình luận trên Sina.
“34 năm trôi qua, những thước phim ấy đã lỗi thời, lạc hậu so với công nghiệp làm phim ngày nay, song chính cái hồn, cái tâm và cái tầm của cả ê-kíp Tây du ký 1986 đã tạo nên sức sống bền bỉ cho tác phẩm”, một người hâm mộ cho biết.
Tây du ký bắt đầu khởi quay từ năm 1982, đến năm 1988 phim mới hoàn thành. Năm 1986, Đài truyền hình Trung Quốc CCTV bắt đầu chiếu phim theo dạng cuốn chiếu, tức vừa quay vừa phát sóng. Vì vậy, phiên bản này thường được gọi dưới tên Tây du ký 1986.
Sina mới đây dẫn lại kết quả thống kê những bộ phim dài tập được phát lại nhiều nhất ở Trung Quốc. Theo đó, Tây du ký dẫn đầu về thành tích chiếu lại trên màn ảnh nhỏ với hơn 3.000 lần.
So với ba tác phẩm khác nằm trong Tứ đại danh tác được chuyển thể thành phim gồm Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử và Hồng lâu mộng, Tây du ký có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.
Thành công và sức lan tỏa của 41 tập phim đánh dấu cuộc đua chuyển thể Tây du ký chính thức bắt đầu tại Trung Quốc. Mỗi năm đều có ít nhất một tác phẩm làm lại từ tiểu thuyết kinh điển của tác giả Ngô Thừa Ân, số lượng lên đến hàng trăm phim.
Câu chuyện về chặng đường thỉnh kinh gian nan, trải qua 81 kiếp nạn mới đến Tây Trúc lấy được chân kinh trở thành niềm cảm hứng bất tận cho các nhà sản xuất. Mỗi một vùng đất, mỗi một yêu quái và ngay cả tính cách khác biệt của 4 nhân vật chính cũng là “nguồn tài nguyên” có thể khai thác triệt để.
Từ đó, nhiều bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình được làm lại với nội dung độc lập, kịch bản mới lạ, hấp dẫn và đầu tư công phu về kỹ xảo ra đời.
Có thể kể đến Tây du ký: Mối tình ngoại truyện (2014) của Châu Tinh Trì có nội dung xoáy sâu vào tình cảm lứa đôi. Tây du ký: Nữ Nhi quốc (2018) lại khai thác sâu hơn về câu chuyện tình đẹp và đầy ý nhị giữa Đường Tăng và Nữ vương của Tây Lương Nữ quốc.
Tuy nhiên, theo Ifeng, bao nhiêu bản làm lại Tây du ký ra đời với dàn diễn viên hạng A, có nhan sắc và tài năng vượt trội, đầu tư kỹ xảo hợp thời đến mấy cũng không thể nào xô đổ được tượng đài Tây du ký 1986 trong lòng người hâm mộ.
Hơn 3 thập kỷ qua, nhắc về Tây du ký khán giả nhớ ngay đến Lục Tiểu Linh Đồng. Ông được xem là biểu tượng không thể thay thế, Tôn Ngô Không chuẩn mực nhất trong lịch sử.
Vai diễn Tôn Ngộ Không của sao gạo cội để lại cái bóng khó có thể vượt qua của lớp hậu bối. Những diễn viên từng thủ vai Tôn Ngộ Không trong các phiên bản khác nhau như Quách Phú Thành với Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Chân Tử Đan với Đại náo thiên cung, Bành Vu Yến với Ngộ Không truyện, Châu Tinh Trì với Đại thoại tây du… đều để lại những ấn tượng riêng biệt, nhưng vẫn không ai có thể soán ngôi “vua khỉ” của Lục Tiểu Linh Đồng.
“Chưa một diễn viên nào thể hiện vai Tôn Ngộ Không tốt và duyên như Lục Tiểu Linh Đồng. Vai diễn Mỹ Hầu Vương do sao nam gạo cội đảm nhận là kinh điển, không ai có thể vượt qua”, Sina bình luận.
Thậm chí, bản thân Lục Tiểu Linh Đồng cũng không thể thoát khỏi chính mình. Một đời cống hiến cho nghệ thuật, hào quang của ông chỉ gắn liền với một vai diễn duy nhất, không thể có vai xuất sắc hơn.
Tây du ký 1986 ra đời trong bối cảnh kỹ xảo điện ảnh còn thô sơ, vật lực lẫn nhân lực có hạn. Phim được đầu tư 6 triệu NDT. Đây là một con số “khủng” vào thời điểm đó nhưng vẫn không đủ trang trải chi phí cho toàn bộ phim. Ngay cả thù lao mà các diễn viên nhận được chỉ mang tính tượng trưng.
“Vật chất thiếu thốn nghèo nàn, đến cả cơm cũng ăn không đủ no”, đạo diễn Dương Khiết chia sẻ về tình cảnh của đoàn phim những năm 1980.
Theo Sohu, để tìm được những bối cảnh phù hợp với yêu cầu kịch bản, đạo diễn Dương Khiết và ê-kíp phải rong ruổi trên khắp Trung Quốc, đi qua hơn 26 tỉnh thành. Họ nhiều lần đối diện ranh giới giữa sự sống và cái chết do gặp phải tai nạn nguy hiểm.
QQ cho biết 25 tập phim của Tây du ký 1986 chỉ do duy nhất nhà quay phim Vương Sùng Thu phụ trách. Ông một mình ròng rã vác máy quay, trèo đèo lội suối theo chân vợ – đạo diễn Dương Khiết cho ra đời các thước phim kinh điển.
Trong quá trình thực hiện, diễn viên và nhân viên hậu trường hầu như không có sự phân biệt. Các diễn viên đôi lúc phải phụ khuân vác, ngược lại, nếu phim thiếu diễn viên, nhân viên hậu trường cũng được huy động xuất hiện trước ống kính.
“Cả đoàn phim năm đó đều phải ‘liệu cơm gắp mắm’, tiết kiệm tối đa chi phí để dành tiền cho giai đoạn hậu kỳ, làm kỹ xảo… Mỗi nhân viên và kể cả diễn viên chỉ được phát 5 hào tiền ăn vặt. Người có cát-xê cao nhất lúc đó là Lục Tiểu Linh Đồng với 100 NDT/tập”, Đường Kế Toàn – nhiếp ảnh phim trường kiêm phụ quay cho biết.
Ông nói thêm với Sina: “Khó khăn là thế, nhưng Tây du ký 1986 vẫn thu hút rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những tên tuổi lớn của điện ảnh Trung Quốc thời bấy giờ tham gia một cách nhiệt tình, không quản thù lao cao thấp”.
TH