NSƯT Phùng Tiến Minh là nghệ sĩ đa-zi-năng, lăn xả trên mọi “mặt trận” từ vai trò nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn, biên kịch, đâu cũng thấy mảng màu riêng khó trộn lẫn. Tuy nhiên đối với anh, âm nhạc chỉ là cuộc dạo chơi nghề diễn mới là đam mê lớn nhất.
Là tác giả của nhiều ca khúc phim nổi tiếng như Vệt nắng cuối trời, Con đường hạnh phúc, Đi qua bóng tối, Để mãi có nhau … nhạc sĩ Phùng Tiến Minh còn là một diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội. Mới đây, anh đã làm bất ngờ người xem, khi thể hiện sự đa tài của mình trong vai trò đạo diễn của vở kịch nói “Trương Chi-Mị Nương”.
Vở kịch “Trương Chi – Mị Nương” (đạo diễn Phùng Tiến Minh) vừa giành giải Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 4. Vở kịch còn mang về 2 Huy chương Vàng cho nghệ sĩ Ngọc Quỳnh (vai Trương Chi) và nghệ sĩ Thiện Tùng (vai Đoàn Gia), 2 Huy chương Bạc cho NSƯT Quang Thắng (vai Thừa tướng), nghệ sĩ Thùy Dương (vai Mị Nương). Có được thành công trên là nhờ sự sáng tạo, tâm huyết của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội, trong đó phải kể người “thuyền trưởng” đạo diễn Phùng Tiến Minh.
Anh vừa giữ vai trò đạo diễn, biên kịch, phụ trách âm nhạc. Đây cũng là vở kịch đầu tiên, Phùng Tiến Minh làm đạo diễn. Từ một câu chuyện cổ tích dân gian về “Trương Chi – Mị Nương” từng phê phán hiện thực xã hội, Phùng Tiến Minh làm mới tác phẩm thông qua việc xoáy sâu vào tính tự thán của cốt truyện.
Đảm nhận nhiều vai trò trong vở kịch gây tiếng vang, Phùng Tiến Minh thường bị gắn mác “Minh cả mâm”, đối với anh đó là sự đánh giá và ghi nhận từ đồng nghiệp tạo động lực làm nghề. Lần đầu tiên lấn sân sang vai trò biên kịch, đạo diễn kịch sân khấu, có nhiều thách thức và cả sự mạo hiểm, Phùng Tiến Minh chia sẻ về những “khó nhằn” với nghề “văn mình- vợ người”: “Tôi thường viết nhạc nhưng chỉ ở khoảng 100 từ thì một kịch bản sân khấu với trên 15.000 từ, với thể loại kịch cổ, dân gian nên vốn liếng về Hán-Nôm, Hán-Việt phải nắm rất chắc.
Nếu trong giới nghệ thuật đều biết đến Phùng Tiến Minh trong vai trò nhạc sĩ thì khán giả thường chỉ nhận ra anh ở hình ảnh một diễn viên. Trên truyền hình, anh từng ghi dấu ấn với vai chính diện trong “Tình thắm Sa Pa” “Nhọc nhằn cửu vạn”, “Hoa cúc lầy” và vai phản diện “Con đường hạnh phúc”, “Đi qua bóng tối”, “Những nhân viên gương mẫu”,…
“Nghề diễn viên là đam mê lớn của tôi nên dù thế nào tôi cũng theo đuổi đến cùng. Nhạc sĩ chỉ là nghề tay ngang. Tôi không được đào tạo bài bản về tại một trường lớp chuyên sâu về âm nhạc, vì thế, đến một ngày nào đó hết vốn âm nhạc, tôi cũng vui vẻ chấp nhận và sống trọn vẹn với nghề diễn viên”, Tiến Minh chia sẻ.
Trên sân khấu kịch, Tiến Minh tạo ấn tượng nhất vai Chúa Trịnh trong vở kịch “Trạng Quỳnh”. Năm 2019, Phùng Tiến Minh được trao danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) cho những cống hiến nghệ thuật.
Ít ai biết rằng, ngoài diễn xuất, Phùng Tiến Minh còn biết tới là tác giả sáng tác nhạc phim. Tính đến nay, anh đã sáng tác hơn 40 ca khúc phim truyền hình và 20 vở kịch. Phùng Tiến Minh nhớ đến lần đầu tiên đặt chân con đường sáng tác nhạc phim từ bộ phim “Tình thắm Sa Pa” (năm 2000).
Trong vai trò diễn viên, anh được nghe đạo diễn phim Hoàng Thanh Du nói về bài hát trong phim đặt hàng một nhạc sĩ nhưng chưa ưng ý. Sau đó, anh ngỏ ý việc sẽ sáng tác bài hát cho phim. Không ngờ rằng, đạo diễn Hoàng Thanh Du rất thích bài hát, đưa vào sử dụng nhạc phim và đạo diễn cũng là người truyền cảm hứng cho anh về con đường sáng tác nhạc sau này.
Theo Phùng Tiến Minh, viết nhạc phim đơn giản hơn về kỹ thuật so với sân khấu, sân khấu đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh và hiệu quả phối khí. Âm nhạc sân khấu còn theo diễn tiến từng vở diễn, từng đoạn chuyển, xung đột của nhân vật nên cần khoảng đầu tư sáng tạo riêng.
Song hành trên con đường sáng tác nghệ thuật, Phùng Tiến Minh tâm niệm, dù ở vai trò đạo diễn, nhạc sĩ, biên kịch khán giả nhìn nhận anh với vai trò diễn viên hơn để anh luôn cống hiến hết mình với nghề được coi là cái nghiệp.
Tổng hợp
Lý Trần/Thongtinngaynay.com