Mặc dù có sự nghiệp với nhiều dấu ấn nhưng những điều chờ đợi kỷ lục gia Quốc Cường khi về già chỉ là sự đơn độc, cô quạnh đến thắt lòng.
Võ sư Quốc Cường không chỉ được nhắc tới với những màn trình diễn mạo hiểm như nuốt rắn, tay không đập dừa… mà còn cực kỳ quen mặt với khán giả màn ảnh nhỏ trong phim Hải đường trắng, Tiếng hú nơi hoang dã…
Hình ảnh đáng thương của nghệ sĩ Quốc Cường ở hiện tại
Nếu như quá khứ của ông là những ngày rực rỡ trên sân khấu, được nhiều người tán tụng, ngợi ca thì giờ đây ông lại có bộ dạng của một kẻ lang thang, không nhà cửa, không tài sản cũng chẳng có gia đình. Thứ ông còn lại chỉ là một khối óc với trí nhớ giảm sút tới 70%.
“Anh ấy cứ lang thang khu vực này suốt mấy tháng nay, tối ngủ ngoài mái hiên, có khi ngủ ngay ống cống ở công trường. Anh thường đi khắp nơi mà cũng không biết mình sẽ đi đâu. Đói quá, ai cho cái gì anh ăn cái nấy. Giờ chân phải của anh bị sưng phù, chỉ đi từng bước, ốm đau cũng không có thuốc thang gì, tiền bạc không biết xài, có lúc anh nói rất nhiều nhưng cũng có lúc mắt cứ nhìn xa xăm, nhìn tội lắm!” – một người chủ quán cà phê cho biết.
Những màn thể hiện võ thuật của Quốc Cường khiến nhiều người kinh nể
Gặp lại người quen, ông phải mất tới 5 phút trò chuyện mới thốt lên đầy cay đắng: “Vợ con anh đã đi hết rồi. Tiền bạc, giấy tờ, hộ khẩu và cả 3 chiếc xe Honda của anh cũng bị người ta lừa lấy hết rồi”.
Trước đó, ông thường được giao cho các vai diễn có hình tượng “quái nhân” trên màn ảnh, đòi hỏi những pha hành động chân thực. Không ít lần ông bị thương khi làm việc nhưng đam mê với nghề quá lớn nên ông không chịu từ bỏ.
Vết sẹo trên cổ ông chính là minh chứng rõ nhất cho thấy sự hi sinh vì nghề diễn
Trên phim trường, ai chứng kiến cũng bái phục tài nghệ của anh nhưng khi về nhà Quốc Cường phải uống thuốc cả tháng trời để giải độc. Trong phim Vết thù năm tháng, lần đầu tiên đụng độ tài tử số một của Việt Nam thời bấy giờ là Trần Quang, anh đã tung một chiêu diễn mà cả phim trường phải kinh ngạc. Đó là cảnh hai bên gườm nhau, Trần Quang sừng sững trước đám đàn em, còn anh chơi trò nuốt con trăn vào cuống họng.
Ban đầu mọi việc diễn ra tốt đẹp nhưng cảnh quay cuối con trăn không chịu chui ra, lý do là vì ngộp quá nên nó cắn luôn vào cổ họng của Quốc Cường. Máu tuôn xối xả, anh lập tức được đưa đi cấp cứu. Cả bệnh viện Chợ Rẫy nháo nhào vì một ca bệnh không giống ai. Bác sĩ phải họp hội chẩn liên tục để cứu sống một bệnh nhân “quái lạ” vì một trò chơi ngông.
Bề ngoài với nét mặt dữ dằn nhưng Quốc Cường lại là người nhỏ nhẹ và hiền khô. Biết anh là người mê phim, nhiều trợ lý, phó đạo diễn đã nhiều lần “dụ dỗ” anh. Các bầu sô ở tỉnh biết tài năng của Quốc Cường mời đi lưu diễn ở các tỉnh xa, chương trình thắng lớn nhưng họ hay bớt tiền cát-sê, cắt xén tiền để trong phong bì. Giận quá Quốc Cường mới nói: “Tiền của tôi kiếm bằng máu, anh em cứ chơi hoài, tôi e rằng không ổn lắm đâu”.
Có lần diễn ở Bình Dương, một tay chủ lò gạch thử nghề Quốc Cường bằng cách đưa toàn gạch loại “xịn” để anh công phá. Bình thường chỉ cần một chỏ đánh xuống là xong nhưng lần đó Quốc Cường đánh ê ẩm đến tận tim gan mà gạch vẫn không bể, phải vận dụng cả ‘thiết đầu công’ mới giải quyết xong đống gạch. Nước mắt chảy ngược vào trong vì đau tê tái nhưng Quốc Cường vẫn cố cười để giữ vững bản lĩnh con nhà võ.
Lần khác, tiết mục quấn kẽm vào người, lúc vận công anh đã bị một khán giả lên thử dây kẽm giở trò bóp ngay yết hầu. Quốc Cường mắt đứng tròng, toàn thân vận khí đề công, khi dây kẽm đứt, khán giả vỗ tay còn anh như người chết đi sống lại. Chuyện đâm thương vào cuống họng anh không còn nhớ là đã bao lần anh bị phun máu vì khán giả cứ lỡ tay muốn thử nghề anh. Toàn thân Quốc Cường đầy vết sẹo, hậu quả của những tháng ngày biểu diễn để mưu sinh. Đã bao lần anh muốn bỏ nghề nhưng Quốc Cường vẫn chấp nhận đem “tài mọn” của mình ra phục vụ để mưu sinh.
Hi sinh vì nghiệp diễn là vậy nhưng những gì mà người nghệ sĩ này đang phải gánh chịu khiến không ít người phải xót xa.
TH