“Sau bao nhiêu năm, cô học trò đội mũ nồi ngày xưa giờ đã trưởng thành, đã có tên tuổi từ nhiều phim trước, được làm việc cùng nhau tôi thấy rất thú vị, thấy được niềm say mê lớn của em…”, NSƯT Trần Đức chia sẻ.
Vốn “đóng đinh” với hình ảnh “ông trùm khét tiếng” của truyền hình nhưng từ vài năm gần đây anh “đột ngột” chuyển sang “ông bố màn ảnh”. Anh cảm thấy thế nào?
Lúc còn công tác tôi “trùm sò” vậy thôi còn sau khi về hưu tôi chuyển sang đóng vai những ông bố hoặc hiền lành hoặc hào hoa phong nhã hoặc có chút mưu tính nhưng tất cả đều là vì con như “Tình yêu và tham vọng”. Đây cũng là điều đặc biệt trong sự nghiệp diễn xuất của tôi.
Nếu hỏi về cảm nhận thì biết nói thế nào nhỉ? Tôi lại thấy khán giả thích thú hơn những vai diễn xưa. Và bản thân tôi cũng thấy thú vị hơn. Trước kia người ta gặp tôi cứ lắc đầu: “Anh/anh kinh quá! Gái mú suốt, …”.
Mặc dù với những vai phản diện thì đây cũng là lời khen nhưng bản thân mình chưa thấy “sướng” lắm. Đến dạng vai mới này khán giả bảo “gừng càng già càng cay”. Mỗi ông bố đều có dấu ấn.
NSƯT Trần Đức
Sau nhiều năm vắng bóng truyền hình, đến khi trở lại đóng cặp cùng dàn diễn viên trẻ. Là một nghệ sĩ đi trước, lại là một thầy giáo, anh đánh giá thế nào?
Những vai ông bố gần đây của tôi hầu hết đều tương tác khá nhiều với “các con” – lứa diễn viên trẻ, rất trẻ, thậm chí là học trò cũ. Tôi thấy các bạn vừa thông minh vừa có điều kiện nên làm tốt hơn chúng tôi hồi xưa. Nhập vai tốt, khả năng diễn xuất tốt. Đặc biệt rất chịu khó đầu tư vai diễn.
Diễn viên trẻ một lần đi quay mang theo 2-3 vali hành lý to khủng khiếp. Trong khi mình có 1 cái nhỏ còn khó chịu. Rồi để ý từng li từng tí, chăm chút tóc tai kỹ càng. Tôi vui vì được làm với các bạn trẻ dù là làm ít hay nhiều, dù chỉ làm nền nhưng cũng khá thú vị.
Nhắc đến chuyện diễn viên 2-3 vali trang phục chắc anh muốn nói đến “cô con gái Tuệ Lâm” Lã Thanh Huyền?
(Cười) Lã Thanh Huyền thì tôi không lạ vì đó là học trò của tôi. Nhớ năm đầu tiên tôi nhận công tác tại Khoa Sân khấu – Điện ảnh, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Lã Thanh Huyền khi đó là cô bé đội mũ nồi tay cầm hồ sơ đứng ở một góc hành lang. Thấy vẻ ngơ ngác, tôi hỏi: “Con hỏi gì đấy?” – Huyền đáp: “Thưa thầy con vào nộp hồ sơ nhưng hết hạn nên Phòng Đào tạo (PĐT) không nhận”.
Khi biết là Khoa Sân khấu – Điện ảnh, tôi cầm hồ sơ vào nói khó. Tôi nhận con bé là cháu tôi, rất xinh xắn, rất có tố chất, khoa lại mới mở rất cần thí sinh nên cố gắng ưu tiên. Vậy là Phòng Đào tạo lại nhận hồ sơ, ghi tên dự thi.
Ba ngày sau Lã Thanh Huyền đến thi. Đúng theo con mắt nhìn của tôi, cô bé có năng khiếu. Trong 3 năm học Lã Thanh Huyền cùng Khuất Quỳnh Hoa là 2 sinh viên xuất sắc, gần như luôn nhận các vai chính trong vở diễn của trường.
NSUT Trần Đức và cô “con gái” Lã Thanh Huyền
Sau bao nhiêu năm thay đổi, hai thầy – trò giờ đóng bố và con gái, anh đánh giá thế nào về cô học trò cũ?
Tôi cũng thường xuyên quan tâm đến con đường nghệ thuật của các học trò. Sau bao nhiêu năm, cô cô học trò đội mũ nồi ngày xưa giờ đã trưởng thành, đã có tên tuổi từ nhiều phim trước, làm việc cùng nhau tôi thấy rất thú vị, thấy được niềm say mê lớn của các em. Thực sự, tôi đánh giá cao “cô con gái” này. Với những tâm huyết có lẽ Huyền sẽ còn tiến xa hơn với nghề.
Quay lại với câu chuyện của anh, nhiều nghệ sĩ miền Bắc sau khi về hưu lại thăng hoa hơn trong sự nghiệp. Liệu có khi nào anh nghĩ mình cũng nằm trong top đó không?
Ôi! Ai chả mong như thế. Tôi thuộc tuýp người không bao giờ chịu ngồi yên. Dù về hưu nhưng vẫn phải làm gì đó như cộng tác viên của trường chẳng hạn hay làm phim nữa. Tôi thích vẫn được làm việc. Xưa còn công tác thì gần như tháng nào cũng phải đi một tỉnh nào đó, nên giờ ở nhà chỉ một tuần là cảm thấy cuồng chân.
Với tôi, được đi quay phim, được lao động là niềm hạnh phúc. Tiền không thành vấn đề, thù lao không phải mối quan tâm lớn. Vấn đề được làm việc, được công chúng biết đến. Vì thế, tôi vẫn hi vọng sẽ nhận được một vai diễn thực sự đột phá sau khi đã về hưu.
Nói rằng “tiền không thành vấn đề” như thế dễ bị hiểu lầm là NSƯT Trần Đức rất giàu đấy? Hay thực sự anh rất giàu?
Như tôi đã chia sẻ, ở tuổi này tôi vẫn đi đóng phim và dạy học ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhưng cả hai lĩnh vực này đều có thu nhập khá thấp. Tôi tham gia giảng dạy, cộng tác với trường từ khi về hưu và muốn đào tạo nên những thế hệ diễn viên mới. Chứ tiền bạc thì nói thật, đi dạy được 150.000 đồng/buổi, trong khi tôi đi taxi đến trường đã gần 100.000 đồng rồi.
Còn phim ảnh? Đơn cử khi quay “Tình yêu và tham vọng”, ký hợp đồng xong mà tôi cũng không biết là mình được bao nhiêu tiền cát-sê. Sau khi kết thúc phim khoảng 1 – 2 tuần, tôi mới hỏi Chủ nhiệm về vấn đề thù lao. Họ nói tôi cứ yên tâm, sẽ có người gửi tiền và rồi vài hôm sau, tôi thấy có tiền chuyển về tài khoản. Với một vai phụ như thế, diễn trong 1 năm thì cát-sê đâu có được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn vui vì chỉ cần mình được làm việc.
Với thế hệ nghệ sĩ như anh, có lẽ tình cảm của khán giả mới là “cát-sê” đáng giá nhất?
Đúng là như thế. Sau một ngày đi làm về, buổi tối được ngồi cùng vợ xem lại phim và ngày mai đi ra đường, nhiều người yêu mến, thế là đủ với một đời nghệ sĩ. Tôi đi chợ, mọi người cứ gọi lại, bảo yêu mến bộ phim lắm. Tôi đi làm giấy tờ ở đâu, các bạn trẻ cũng ưu ái và bảo tôi cứ việc ngồi chờ, họ sẽ làm giúp. Thế là vui lắm rồi. Mình không phải ngồi một chỗ, không phải già nua lọ mọ.
Cảm ơn chia sẻ của NSƯT Trần Đức!