Sự nghiệp của NSƯT Đức Trung gắn liền với những vai chính diện, ông từng nhiều lần hóa thân thành bác Hồ trên sân khấu kịch. Nghệ sĩ gạo cội kể, có lần ông đánh liều đóng vai phản diện nhưng kết quả lại chỉ khiến đoàn làm phim “phì cười” vì cái ác của nhân vật vẫn có gì đó hiền hiền, đáng yêu.
Sinh ra trong một gia đình thương nhân gốc Hà Nội, nhưng từ nhỏ, NSƯT Đức Trung đã mê nghệ thuật.
Thời gian theo gia đình lên Việt Bắc sơ tán, ông thích nhất là được xem đoàn văn nghệ của đội tuyên truyền văn hóa biểu diễn.
Mỗi lần xem xong, cậu bé Đức Trung lại “bắt chước” y như các cô chú diễn viên. Khi vào bộ đội, anh lính Đức Trung tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của đơn vị.
Sau khi ra quân, Đức Trung thường xuyên theo dõi các đợt thi tuyển của Đoàn nghệ thuật của Tổng cục Chính trị. Tham gia thi, Đức Trung vinh dự được lọt tốp 15 từ 1.000 thí sinh đăng ký thi.
Năm 1979, ông chuyển công tác về Nhà hát Tuổi trẻ. Từ đây, sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều lần nhập vai bác Hồ và những vai đạo mạo, tử tế.
Trong lĩnh vực phim ảnh, NSƯT Đức Trung tham gia nhiều bộ phim truyền hình, có duyên đặc biệt với các vai chính diện.
Với vóc người cao lớn và mái tóc trắng đặc trưng, ông luôn được các đạo diễn “chấm” vào vai giáo sư, bác sỹ… hay những nhân vật cấp cao như lãnh đạo chính quyền, sỹ quan cố vấn, chẳng mấy khi thấy ông ác trên màn ảnh.
Ông từng có 3 lần vào vai bác Hồ như “xuất thần” trong: kịch nói (Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình “Bác Hồ sống mãi với vùng than”.
Cũng có đôi lần, chán làm… người tốt, ông đánh liều thử sức với những nhân vật phản diện nhưng không “ăn điểm”.
Ông dù có đóng vai ác thì cũng vẫn cứ không ác lắm ví như trong phim “Trưởng giả học làm sang”, Đức Trung vào vai một quý tộc… tán gái, lần khác, ông hóa thân thành một tay buôn đồ cổ trong một dự án phim truyền hình.
NSƯT Đức Trung có cuộc sống hạnh phúc bên vợ.
NSƯT Đức Trung kể, trong bữa cơm với đoàn làm phim, mọi người đùa: “Thôi từ nay bác đừng đóng vai phản diện nữa, mặt bác không lừa được ai đâu”. Một số khác thì thừa nhận cái ác của ông vẫn có gì đó “hiền hiền”, “yêu yêu”.
Từ đấy, NSƯT Đức Trung chuyên tâm cho những nhân vật hướng thiện. Ông nghĩ đơn giản, nếu mình diễn không đạt thì nên nhường cho người khác, chứ không tham làm gì.
Hơn 40 năm với nghiệp diễn, góp mặt trong nhiều tác phẩm sân khấu, truyền hình, điện ảnh nhưng khán giả dường như thấy NSƯT Đức Trung hợp duyên khi sắm vai chính diện.
NSƯT Đức Trung trong vai ông Ẩn – Tổ trưởng phái viên Ban nông nghiệp Trung ương phim Bí Thư Tỉnh Ủy
NSƯT Đức Trung từng có 20 năm tuổi trẻ trên các chiến trường, vì thế, ông dành một tình yêu đặc biệt đối với những nhân vật trong quân đội như tướng tá, sỹ quan… và cũng vì nó mà gặp không ít tai nạn.
Một lần vào vai một người chiến sỹ, ông phải buộc một ngòi nổ vào lưng, chỉ đệm một mảnh cao su cắt từ săm ô tô để bảo vệ. Trước khi cho nổ, ekip đã phải tính toán hướng nổ hướng ra ngoài, hạn chế sát thương.
Ai ngờ khi làm thật, kíp nổ làm rách luôn cả mảnh cao su, xém luôn một mảng thịt. Đến bây giờ tai nạn ấy vẫn còn để lại di chứng cho ông mỗi khi trở trời.
Ngày ấy, mỗi lần đi diễn về chỉ có một nắm bo bo, hoặc một cái bánh bao làm bằng bột mì đen… nhưng nghệ sĩ chẳng mấy ai kêu ca.
Nếm trải đủ nỗi vất vả của thời kỳ điện ảnh còn non trẻ, thiếu thốn đủ bề, nhưng chưa một lần ông nghĩ đến việc từ bỏ nghề diễn.
Ở tuổi 81, sự lạc quan, yêu đời, yêu nghề lúc nào cũng căng tràn trong trái tim người nghệ sĩ gạo cội.
Sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật ấy là nguồn cảm hứng dồi dào cho những người trẻ quyết tâm theo đuổi đam mê.