Sự ra đi của cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể khiến hàng triệu người xót thương, nhưng đau lòng hơn cả vẫn là người thân và thầy Đặng Văn Cương – người không cho em sinh mệnh nhưng mang đến cho em tri thức và sự thương yêu của mọi người.
Sau nhiều ngày nằm viện, K’Rể trút hơi thở cuối cùng vào một buổi chiều đầu tháng 11. Bên cạnh em những giây phút cuối đời không chỉ có người thân mà còn có người thầy nhân hậu Đặng Văn Cương.
Đoàn người đã vượt 70km để đưa cậu bé về với gia đình ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ở 10km cuối cùng, những người yêu quý K’rể đã cùng em đi bộ dưới trời mưa tầm tã để về với ngôi nhà nhỏ trên đỉnh núi.
Em đã có một hành trình về nhà đặc biệt. Hành trình hôm nay em đi không giống với mọi lần. Lần này, em nằm lọt thỏm trong tay người thân và bên cạnh là người thầy đã luôn chăm sóc em suốt những năm qua.
Suốt chặng đường về, thầy Cương chạy theo em, tay bóp bình oxy liên tục. Thầy chỉ mong giữ lại cho K’Rể chút hơi thở để em có thể ngắm núi, ngắm rừng một lần nữa trước khi rời cõi tạm này.
Thầy Đặng Văn Cương không phải là người sinh ra em, cũng chẳng phải họ hàng thân thích nhưng 5 năm qua, thầy chính là người mang đến cho em cuộc đời thứ 2.
Khi mới lọt lòng, K’Rể chỉ dài hai gang tay. Từ nhỏ lớn lên hay đau yếu, được cha mang trên cái địu đưa đi lên rẫy. Khi 5 tuổi, cậu bé tí hon này chỉ nặng 3 kg, cao 50 cm, nhưng gương mặt em sáng và ánh mắt có hồn. Ánh mắt ấy đã đeo đuổi trong tâm trí thầy Đặng Văn Cương, khi anh làm thầy giáo ở xã vùng cao này.
Năm 2016 khi tuyển sinh lớp 1, thầy giáo Cương – Hiệu trưởng Trường tiểu học dân tộc bán trú xã Sơn Ba, thấy danh sách có tên em Đinh Văn K’Rể. Khổ là, từ nhà em đến trường phải chạy xe máy 1 giờ, lội bộ đường mòn qua tán rừng thêm vài giờ nữa. Làm sao ba mẹ cho cậu bé tí hon nhà mình đi học xa xôi thế. Cố thuyết phục ba mẹ em K’Rể rằng, hãy để cháu ở lại một vài ngày nếu cháu ở được, thầy sẽ chăm sóc. Vậy là cháu bé ở lại với thầy hiệu trưởng ngay trong trường 1 tuần, 1 năm và mãi 5 năm cho đến nay.
Ban đầu, thầy Cương đặt giường cháu K’Rể trong phòng mình cho tiện chăm sóc, nhưng vì để em hòa nhập với bạn bè nên ở chung phòng với các bạn. Hằng ngày, thầy Cương chăm sóc từ ăn uống đến tắm giặt, thay quần áo, vệ sinh cá nhân… chẳng khác gì “ba Cương chăm con K’Rể”. Những ngày nghỉ, thầy Cương đưa K’Rể đi chơi, bày em tập viết, cứ thế tình “phụ tử” kéo dài. Tình thương của thầy Cương đã giúp cậu bé hết rụt rè với bạn và người lạ.
Từng chia sẻ trên truyền hình, thầy Cương kể vợ anh và 2 con mình đều yêu mến K’Rể, xem em như người anh trong nhà. Đến đầu năm học 2020 – 2021, thầy Cương chuyển về Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh, K’Rể cũng đi với người thầy – người cha ấy về TP.Quảng Ngãi để sống. Tuần rồi, K’Rể về thăm nhà rồi trở lại trường hôm thứ năm thì bị đau đột ngột và nằm ngất trên tay các cô trong trường. Đưa em vào Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh điều trị, thầy giáo Cương túc trực bên em chăm sóc. Nhưng số phận em đến đấy, như chẩn đoán của các bác sĩ: em mắc chứng bệnh hiếm gặp – Seckel (người lùn, đầu chim, rất hiếm gặp trên thế giới), chỉ sống đến ngần này tuổi là đã quá nghị lực.
Một người bạn kể lại, thầy giáo Cương đã cạn nước mắt khi đưa K’Rể về với núi, nơi em sinh ra và chưa kịp lớn lên. Đêm Sơn Ba hôm qua lạnh lắm và người thầy giáo ấy đã hanh hao khi học trò, người con bé nhỏ đã không còn được mình ẵm bồng trên tay nữa. Một người bạn, người thân của thầy giáo và K’Rể viết trên trang cá nhân:
“… Cảm ơn cuộc đời này đã cho con những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc và không quên cảm ơn cha mẹ, người đã sinh thành ra con, cảm ơn các ông bà, các bác, các cô dù ở rất xa hay gần nhưng vẫn quan tâm đến con, cảm ơn các thầy, cô giáo, là cha mẹ thứ hai của con… Con sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, nhưng con lại nhận được bao nhiêu tình cảm đặc biệt của tất cả mọi người…”.
Tạm biệt em Đinh Văn K’Rể
Tổng hợp
Nhật Linh/Thongtinngaynay.com