Những năm đầu sau khi con trai qua đời, người mẹ khốn khổ này còn bị xa lánh vì đồng ý hiến tạng con trai cứu 6 người khác.
Hiến tạng để cứu người khác luôn là nghĩa cử cao đẹp đáng để người đời tôn trọng biết hơn. Thế nhưng, người mẹ này lại bị xa lánh, dè bỉu vì để con trai ra đi không được nguyên vẹn.
Người mẹ già cô độc ấy chính là bà Vũ Thị Mừng (62 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Bà Mừng đã đồng ý hiến tạng con trai cứu 6 người cách đây 6 năm.
Bà Mừng đã quyết định hiến toàn bộ cơ thể con trai để cứu những bệnh nhân khác
Năm đó, gia đình bà Mừng liên tiếp xảy ra biến cố. Chồng vừa mất được 7 tháng, bà Mừng lại bủn rủn chân tay khi nhận tin con trai bà là anh Trần Vũ Minh Quang gặp nạn ở Bình Dương.
Mặc dù anh được đưa đi cấp cứu bệnh viện tuyến trên – BV Chợ Rẫy thế nhưng phép màu đã không xảy ra, các bác sĩ đành phải ngậm ngùi thông báo với gia đình rằng anh Quang không thể qua khỏi.
Đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế thuộc khoa Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (bệnh viện Chợ Rẫy) đã đến chia buồn với bà Mừng và vận động gia đình hiến tạng của anh Quang cứu những người khác.
Chính sự hy sinh của người mẹ này đã tạo nên “kỳ tích” cho y học Việt Nam
Vừa mất chồng nay lại mất cả con trai, người mẹ dường như đã sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng nghĩ đến việc cứu những người khác, mang hi vọng và phép màu đến cho những gia đình khác có thể cũng đang đau khổ như mình nên bà Mừng đã đã đồng ý với lời đề nghị của các bác sĩ.
Tuy nhiên, ý định hiến tạng con trai cứu người của bà Mừng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người thân trong gia đình, nhất là các em của Quang và họ hàng bên nội bởi họ cho rằng phải để anh được toàn thây yên nghỉ. Sau cùng, họ chợt nhận ra ý nghĩa nhân đạo của việc làm này nên thấu hiểu và đồng tình với bà Mừng.
“Dù không được ở bên cạnh con, nhưng tôi vẫn có cảm giác con vẫn còn sống đâu đó”
Con trai bà Mừng trở thành là người đầu tiên hiến đa tạng ở Lâm Đồng. Đồng thời, anh là người cho nhiều phần nội tạng, cứu được nhiều người nhất tại Việt Nam.
Tâm hồn bà Mừng bỗng dưng nhẹ nhõm và thanh thản hơn nhiều khi nhận được tin báo từ bệnh viện Chợ Rẫy. Cụ thể, tim và gan của anh Quang đã tức tốc vượt hơn 2.000 km chuyển ra bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiến hành ghép tạng, cứu sống 2 bệnh nhân.
Bệnh nhân 37 tuổi hồi phục sau ca ghép tim của anh Quang ở Bệnh viện Việt Đức
Bên cạnh đó, 2 giác mạc và 2 quả thận cũng được tặng cho các bệnh nhân ở TP.HCM. Tất cả các bệnh nhân được cấy ghép tạng của anh Quang đều dần hồi phục sau ca phẫu thuật.
Vì hiến tạng con trai nên bà từng bị người làng xa lánh, dị nghị vì nghèo nên bán con.
“Sau khi Quang cho tạng, tôi hỏa thiêu cháu rồi lấy tro cốt về gửi trong chùa. Tôi không thực hiện lễ tang, không mai táng cháu. Tôi luôn nghĩ Quang còn sống và sống trong cơ thể của một người nào đó ở cõi đời này!” – bà Mừng tâm sự.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi hiến tạng con trai, bà Mừng bị không ít dân làng dị nghị, xa lánh và đồn đại rằng do hoàn cảnh khó khăn nên bà Mừng đã nhẫn tâm bán thân thể con lấy tiền.
Thậm chí, vài người nói rằng bà không thương con hay Quang không siêu thoát vì không được làm ma chay đủ lễ theo truyền thống. Bà Mừng đã sống trong nước mắt, tủi nhục trong 3-4 năm đầu kể từ ngày mất con. Chỉ đến khi truyền thông đưa tin và cảm ơn thì dân làng mới hiểu thấu và không còn hiểu lầm bà nữa.
Với bà Mừng, bà sẵn sàng hiến thân thể con để người khác được sống. Sự hy sinh của người mẹ ấy thật khó để diễn tả bằng lời
Mtuan (Tổng hợp)/Thongtinngaynay.com