NSƯT Văn Toản vẫn thường bị người ta nhận nhầm là cố nghệ sĩ Phạm Bằng. Giữa hai nghệ sĩ gạo cội của làng điện ảnh nước nhà luôn có mối thân tình sâu sắc, gắn bó với nhau từ ngày còn nghèo khó.
Với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, Phạm Bằng là cái tên gạo cội từng gắn bó qua rất nhiều tác phẩm điện ảnh. Nổi tiếng từ vai Lý trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, sau này, NSƯT Phạm Bằng lại gắn liền với những tiểu phẩm hài hay những bộ phim mang tính thư giãn.
Qua đời vào đầu tháng 11/2016, NSƯT Phạm Bằng để lại quá nhiều tiếc nuối cho khán giả màn ảnh nhỏ. Nhìn những vai diễn trên màn ảnh vui vẻ là vậy, ít ai ngờ cuộc sống phía sau ánh hào quang của cố nghệ sĩ cũng có rất nhiều tâm sự.
Một trong những người hiểu các tâm sự đó là NSƯT Văn Toản. Gắn bó với nhau từ thuở còn hàn vi, ngày người bạn già ra đi, NS Văn Toản không cầm được nước mắt. Với ông, có quá nhiều những kỷ niệm được lưu giữ trong tâm trí với người đàn anh.
Cùng đóng với nhau trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, NSƯT Văn Toản là người vào vai Nam Tào. NS Văn Toản dành những lời khen ngợi tuyệt đối cho tài năng diễn xuất của cố NS Phạm Bằng.
Theo NS Văn Toản, ở người anh thân thiết có sự dí dỏm, hài hước và tự nhiên. Ông còn khẳng định chắc chắn sẽ chẳng có ai vượt qua được vai diễn Lý trưởng của cố NS Phạm Bằng trong vở kịch lừng danh.
Giữa hai người nghệ sĩ gạo cội là mối quan hệ gắn bó hàng chục năm. Thời còn nghèo khó, cả NS Văn Toản và cố NS Phạm Bằng từng lăn lộn mưu sinh, phải tổ chức những tổ kịch riêng để kiếm sống.
Sau này cả hai cùng kết hợp trên nhiều sân khấu lớn hay những tiểu phẩm hài. NS Văn Toản có tài chỉ huy sân khấu và cứ mỗi khi vở kịch nào có sự xuất hiện của đàn anh thân thiết, ông lại có mặt.
NS Văn Toản chia sẻ chính Phạm Bằng là người giúp ông được “thơm lây”. Nhiều người coi ông như “người anh em song sinh” của cố nghệ sĩ Phạm Bằng vì ngoại hình quá giống nhau. Thậm chí ra đường, khán giả còn nhầm lẫn giữa hai nghệ sĩ tài hoa của sân khấu kịch Việt Nam.
Với NS Văn Toản, cố nghệ sĩ Phạm Bằng là người nghệ sĩ của nhân dân. Tên tuổi của ông được biết đến từ Bắc chí nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị.
Cố nghệ sĩ Phạm Bằng đã ra đi mãi mãi, nhưng những di sản về nghệ thuật và niềm đam mê cháy bỏng sẽ luôn tồn tại bất diệt.
Tổng hợp