Mặc dù đã có tuổi nhưng đến nay cuộc sống của nghệ sĩ Ngọc Tuyết trôi qua rất ý nghĩa và hạnh phúc.
“Chào ngày mới vui vẻ, chúc mọi người sức khỏe!”, giọng nói sang sảng cùng tiếng cười giòn tan là cách nghệ sĩ Ngọc Tuyết bắt đầu ngày mới. Nhà ngay cạnh công viên Thống Nhất (Hà Nội), nghệ sĩ ra đây dạo bộ, uống trà. Không tập tành gì, bà cũng có mặt vì chỉ nhìn cây cối, hít thở không khí trong lành, giao lưu với mọi người là về nhà thấy khỏe ra, làm việc hiệu quả.
Nguồn ảnh Internet
Mỗi ngày của nghệ sĩ bắt đầu từ năm giờ sáng, đi chợ rồi ra công viên thư giãn, sau đó về nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Thời gian còn lại, bà dành cho niềm đam mê viết tiểu phẩm hài, làm thơ, vẽ tranh, ca hát, may vá. Trang phục, túi xách của nghệ sĩ đều do bà tự thiết kế, thêu may và điểm vào những bông hoa đủ màu sắc để tươi trẻ và không “đụng hàng”.
Nguồn ảnh Internet
Sống độc thân 40 năm nhưng không bao giờ thấy buồn, nghệ sĩ cho biết cuộc đời bà ý nghĩa bởi gắn kết bên người thân. Bà có ba con, bốn cháu, một chắt đủ trai gái, nội ngoại.
Nguồn ảnh Internet
Nhắc tới Ngọc Tuyết, khán giả nhớ đến những vai diễn tính cách: ghê gớm, chua ngoa như bà Thìn trong Người thổi tù và hàng tổng, mưu mẹo, thủ đoạn như bà Tú trong Lập nghiệp, bà đồng bóng buôn bán trong Người đất cảng hoặc vui vẻ, hài hước trong Gặp nhau cuối tuần… Ngoài đời, nghệ sĩ là người thân thiện, vui vẻ. Nhiều người thân mật gọi bà là “U Tuyết”, khán giả gọi là “Người đàn bà có gương mặt cười”. Nghệ sĩ vui khi được nhiều khán giả biết đến, hỏi thăm và xin chụp ảnh cùng. Khi đi du lịch ở Quy Nhơn cùng con gái, một số người dân cũng nhận ra bà. Lần bà bị thoái hóa khớp gối, con trai phải cõng đi khám trong bệnh viện, nhiều người chạy theo xin chữ ký, bà trêu “Chữ ký của tôi không lĩnh được tiền đâu”. “Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là thế đấy!”, bà mỉm cười.
Nguồn ảnh Internet
Sau khi về hưu, bà tổ chức một đoàn ca nhạc và hài kịch biểu diễn ở khắp mọi miền đất nước. Phần hài kịch do bà đảm nhiệm, vừa sáng tác vừa biểu diễn. Nghệ sĩ Ngọc Tuyết có thói quen khi cảm xúc dâng trào lại ngẫu hứng viết vài dòng hoặc làm một bài thơ lưu lại. Bà chọn những bài thơ tâm đắc, vai diễn để đời trong sự nghiệp, bức ảnh ấn tượng và một số bài báo viết về mình… in thành cuốn sách Ngọc Tuyết cười và một thời để nhớ như món quà nhỏ tặng chính mình. Những vần thơ nhẹ nhàng, dí dỏm có tính giáo dục con cháu và cũng là tự nhắc nhở bản thân: “Sống thanh thản không vay không mượn/ Còn ai nợ không trả cũng cho”… (trích bài Tâm nguyện).
Nguồn ảnh Internet
Ngay từ nhỏ, nghệ sĩ đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. 12 tuổi Ngọc Tuyết hát ở chương trình Tiếng hát học sinh, Đài phát thanh Hà Nội. 13 tuổi bà bắt đầu làm thơ. Bà là một trong những diễn viên đầu tiên của Đoàn kịch nói Hà Nội được tách ra từ đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin (1964). Thời kháng chiến chống Mỹ, bà tham gia đoàn văn nghệ phục vụ tiền tuyến. Núi đồi làm sân khấu, ánh sáng là trăng rọi, bà viết tiểu phẩm, diễn xuất, hát, ngâm thơ… không nề hà bất kỳ việc gì.
Nguồn ảnh Internet
Nguồn ảnh Internet
Nguồn ảnh Internet
Nguồn ảnh Internet
Thời bình, bà tham gia đóng phim, diễn hài kịch… Mẹ Đốp trong Mẹ Đốp hay chữ được bà cho là vai diễn để đời trong sự nghiệp. Vở diễn ra đời năm 1984 trong một chương trình văn nghệ mừng ngày 8/3. Vì thiếu tiểu phẩm, bà phải viết vội vở này. Đến ngày 21/7/2001, bà kỷ niệm buổi diễn 1.600 tại Nhà văn hóa Hội nhà báo Việt Nam. Hiện tác phẩm vẫn hấp dẫn khán giả, được yêu cầu diễn lại nhiều lần. Nét sắc sảo, thông minh, hóm hỉnh của nhân vật giống với nghệ sĩ ngoài đời thực.
Ở tuổi 81, bà vẫn minh mẫn, tinh tường. “Đêm nay đưa tôi tám trang kịch bản, sáng mai một lúc xong ngay”, Ngọc Tuyết khẳng định. Phương châm sống của nghệ sĩ là ba quên: tuổi tác, bệnh tật, mọi sự bất công, hận thù và bốn có: nhà riêng để ở, con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, lương hưu và sổ tiết kiệm để: “Dù có dâu thảo rể hiền/Về già cũng phải có tiền giắt lưng” (trích bài Tự nhủ).
Tâm An/ Theo Thongtinngaynay