Nhà giáo ưu tú – nghệ sĩ Mạnh Dung quen thuộc với khán giả qua vai diễn ông Ba bắt rắn trong phim “Đất phương Nam”. Là “lão tiền bối” trong làng nghệ thuật nhưng ít ai biết về tuổi thơ lang bạt, khó khăn của nhà giáo Mạnh Dung.
Khán giả xem phim thường thấy một ông già Nam Bộ thật đẹp lão, khi thì nhập vai ông Ba bắt rắn trong phim Đất phương Nam, khi lại là cha vợ của Bác Tôn trong Tổ quốc tiếng gà trưa, hoặc ông già người Chăm yêu cách mạng trong Những người con thành phố, ông Nam Sơn trong Bình minh châu thổ, ông già chống Tây trong Người Bình Xuyên…
Hóa thân vào hình tượng ông già Nam Bộ, thần thái của nghệ sĩ Mạnh Dung khiến khán giả không dám tin ông là người gốc Bắc. Là “lão tiền bối” trong làng nghệ thuật, nhà giáo ưu tú Mạnh Dung khiến nhiều nghệ sĩ từ lĩnh vực cải lương đến điện ảnh đều nể phục.
Từng tham gia nhiều phim, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng khán giả ít ai ngờ nghệ sĩ Mạnh Dung lại có một tuổi thơ vất vả, bon chen đến thế. Từ khi sinh ra đã lang bạt trên những chuyến tàu. Tuổi thơ của ông cứ thế trôi dọc theo hành trình xuôi ngược của đoàn tàu, chẳng biết ga nào là nhà.
Nghệ sĩ Mạnh Dung cũng là một người thầy gần 40 năm đứng trên bục giảng của trường sân khấu, đặc biệt lại là một “người Bắc” chính hiệu nhưng từng làm kép chánh cải lương suốt mấy chục năm! Quả thật, “lão tiền bối” này nội lực thâm hậu, “môn phái” nào cũng chơi được! Lão tiền bối thường cười khà khà, rung cả bộ râu bạc cực kỳ… ăn ảnh!
Tuổi thơ lang bạt giang hồ
Lão nghệ sĩ Mạnh Dung có một quãng đời khá giống nhà ảo thuật Mạc Can của bộ phim Đất Phương Nam. Ấy là khai sinh không biết ghi quê quán… ở đâu! Nếu Mạc Can được sinh ra trên một chiếc ghe bầu trôi theo sông nước, bến nào cũng là quê, là nhà thì Mạnh Dung được sinh ra trên một toa xe lửa, cũng trôi dọc dải đất Việt Nam hình chữ S, ga nào cũng gọi là quê.
Nghệ sĩ Mạnh Dung trong phim “Nghiệt oan”.
Cha ông là nhân viên xe lửa, dẫn vợ con theo, tới ga Khánh Hòa đẻ một đứa thì đặt tên Khánh, tới ga Vinh đẻ một đứa thì đặt tên Vinh, nhưng gọi trại ra là Dung. Từ năm 1940 cho tới 1952, cậu bé Dung đón mười mấy mùa xuân trên chuyến tàu, sống cuộc sống lang bạt giang hồ. Đó vừa là nhà, vừa là trường học của cậu, vừa là căn cứ kháng chiến của cha tham gia chống Pháp.
Năm 1952, Mạnh Dung mới được về Hà Nội “định cư”, và 1954 giải phóng thủ đô, bắt đầu mở ra một con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi cho đến tận bây giờ.
“Người Bắc” chính hiệu nhưng lại làm kép chánh cải lương
Cái duyên cải lương đến thật tự nhiên cứ như trời định. Được về Hà Nội, Mạnh Dung mê ngay những đêm hát cải lương, tối nào cũng chờ xả dàn vô coi màn chót. Hà Nội hồi ấy cải lương rộn ràng không thể tả.
Mạnh Dung coi tất tần tật cả “đại bang” lẫn đoàn tỉnh lẻ, riết thuộc luôn bài ca, nét diễn. Và năm 1957, ông xin vào học ở Chuông Vàng. Đến năm 1959 mới thành lập Trường Sân khấu Việt Nam, và Mạnh Dung chuyển sang học chính thức.
Sau khi ra trường nghệ sĩ Mạnh Dung và Thanh Dậu (vợ ông) đều trở thành đào kép chánh của đoàn Chuông Vàng. Ông nổi tiếng với gần 100 vở cải lương, trong đó có vở Bạch Xà nương, Tống Chân – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên…
“Tôi khởi nghiệp nghệ thuật bằng những vai diễn cải lương. Một người Bắc ca cải lương thời đó gặp khá nhiều trở ngại trong quan niệm của khán giả miền Nam. Bản thân tôi cũng nhận thấy âm vực của người Nam bộ, tự bản thân nó đã mang nhạc điệu trong từng lời nói. Vì vậy, tôi học hát cải lương giọng Nam bộ để khẳng định chỗ đứng trên sân khấu. Chính giọng ca cải lương đã khiến tôi thấm nhuần tinh thần Nam bộ trong người, trước khi được biết đến qua phim ảnh bằng vai diễn trong phim Đất phương Nam.” – Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung chia sẻ
Nỗi niềm người thầy, người nghệ sĩ
Năm 1984, nghệ sĩ Mạnh Dung được điều về giảng dạy tại trường trung cấp điện ảnh miền Nam (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM), trong thời gian này ông cũng là một diễn viên thường xuyên góp mặt trong các vai diễn điện ảnh lớn.
Nói về quãng thời gian đúng trên bục giảng, nhà giáo ưu tú Mạnh Dung tâm sự: “Dạy học như đãi cát tìm vàng! Có em mê nghề nhưng không năng khiếu. Có em năng khiếu nhưng không chịu rèn luyện hết mình và tu dưỡng đạo đức. Tiêu chí của tôi là cân bằng giữa đức và tài. Nếu không ý thức được thiên chức nghệ sĩ cao quý thì sẽ mau thui chột tài năng. Tôi khuyên các em phải tôn trọng khán giả, kính trên nhường dưới với đồng nghiệp, rèn luyện trong ứng xử, hành vi… Rốt cuộc, những đứa tôi la mắng nhiều nhất sau này ra đời lại quay về thăm tôi nhiều nhất”.
Chính cái nghiệp “phấn trắng” cũng làm nghệ sĩ Mạnh Dung phải cân nhắc khi nhận vai đóng phim. Là gương mặt khá ăn ảnh, ông được mời liên tục nhưng phim nào làm cẩu thả hoặc sinh hoạt bê bối bị phản ánh là ông dứt khoát rút lui. “Thầy cô không làm gương thì khó dạy học trò lắm. Làm nghệ sĩ thì làm, nhưng rốt cuộc cũng không được quên mình là nhà giáo” – “lão tiền bối” thẳng thắn.
Chính nhờ lòng tâm huyết, sự khắt khe và kĩ tính trong giảng dạy nghệ sĩ Mạnh Dung đã được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho sự nghiệp “phấn trắng” của mình.
Nghệ sĩ Mạnh Dung tên thật là Đoàn Mạnh Dung, sinh năm 1939. Năm 18 tuổi, ông trở thành diễn viên của đoàn cải lương Chuông Vàng, Hà Nội. Tại đây, ông quen và kết hôn với nghệ sĩ Thanh Dậu. Nghệ sĩ Mạnh Dung từng là kép chính nổi tiếng với gần 100 vở cải lương, trong đó có vở Bạch Xà nương, Tống Chân – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên...
2 vợ chồng Mạnh Dung- Thanh Dậu trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới
Hiện tại, nhà giáo ưu tú Mạnh Dung có cuộc hôn nhân viên mãn bên nghệ sĩ Thanh Dậu – học trò cũ của ông. Cùng nhau nắm tay đi qua hơn nửa thế kỉ, mối tình đáng ngưỡng mộ của hai nghệ sĩ chính là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ đang dần mất đi niềm tin vào hôn nhân.