Cuộc sống của NSƯT Đức Lưu – người vào vai Thị Nở kinh điển của màn ảnh Việt ở tuổi 84 nhận được sự quan tâm của nhiều người hâm mộ.
NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939 trong một gia đình trí thức tại thị trấn Tây Đằng, phủ Quảng Oai, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Bà thuộc thế hệ sinh viên khóa I của Đại học Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) cùng khóa với nghệ sĩ Trà Giang và tốt nghiệp năm 1962.
Trong thời gian đang theo học trường điện ảnh, bà tham gia phim Cô gái công trường, là bộ phim truyện thứ hai của điện ảnh cách mạng Việt Nam sau Chung một dòng sông.
Trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Đức Lưu phải đặc biệt kể tới vai Thị Nở phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Trong suốt thời gian quay phim, bà thường xuyên phải đeo hàm răng giả, nhét hai cục bông vào hai bên má để tạo hình diễn viên.
Vai diễn thành công đến mức nhắc tới Đức Lưu là người ta nhắc tới Thị Nở và thậm chí, khán giả còn gọi bà là Thị Nở thay cho tên thật.
Cái bóng của vai diễn lớn đến nỗi bà từ bỏ sự nghiệp điện ảnh của mình và chuyển về làm công tác đối ngoại ở Thành ủy Hà Nội. Năm 1996, bà cùng đồng nghiệp thành lập trường Đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội và tham gia công tác quản lý trường. NSƯT Đức Lưu chỉ đóng 2 phim điện ảnh trong suốt sự nghiệp của mình.
Nghệ sĩ Đức Lưu thời trẻ
NSƯT Đức Lưu và tấm ảnh bà vào vai Thị Nở.
Về đời tư, NSƯT Đức Lưu từng có mối tình 5 năm với một nhà thơ nổi tiếng. Hai người thậm chí đã bàn đến chuyện đám cưới nhưng cuối cùng lại chia tay. Bà gặp chồng bà sau này – Nhà khoa học, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hạ Phương tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đăng ký lớp học tiếng Anh buổi tối. Thời điểm đó, ông là cán bộ giảng dạy tại trường.
Cả hai kết hôn năm 1962 và có với nhau 2 người con trai. NSƯT Đức Lưu có 2 người con trai đều thành danh và gia đình hạnh phúc.
Lễ Giỗ Tổ nghề sân khấu 2023 ở TPHCM: Trang nghiêm và ấm cúng Nữ diễn viên ‘Đồng tiền xương máu’ sống tích cực sau cú sốc ung thư Tuấn Hưng thừa nhận ‘yêu và sợ vợ nhất showbiz Việt’
Theo lời bà thì con dâu thảo hiền, khéo vun vén tổ ấm. Năm 2007, chồng NSƯT Đức Lưu bị đột quỵ và nằm liệt giường và qua đời 5 năm sau đó.
Cháu trai lớn của bà cũng vừa kết hôn cách đây chưa lâu. Bản thân NSƯT Đức Lưu hiện đang sống cùng vợ chồng con trai út. Thấy con cháu hạnh phúc, hòa thuận, bà rất yên lòng.
Ở tuổi 84, trong khi nhiều nghệ sĩ cao tuổi thường rơi vào cảnh neo đơn, sống nghèo khó thì NSƯT Đức Lưu lại có cuộc sống an nhàn. Bà thường dùng tiền lương hưu của mình để đi làm từ thiện bởi con cháu đều có cuộc sống khá giả, lo được cho mẹ, cho bà.
Nữ nghệ sĩ cho biết, bà tham gia một nhóm thiện nguyện và các thành viên trong nhóm thường tự bỏ tiền túi kết hợp kêu gọi người thân quen ủng hộ. Ai có gì góp nấy như tiền bạc, lương thực, quần áo, thuốc men… Tất cả được đóng gói cẩn thận và gửi cho trẻ em vùng cao.
Dù tuổi cao nhưng NSƯT Đức Lưu không muốn để mình nhàn rỗi mà luôn muốn bận rộn, muốn làm việc để cuộc sống của mình không vô vị. Cho nên một ngày của bà thường bắt đầu lúc 6 giờ sáng, ngồi thiền khoảng một giờ, sau đó ăn sáng và đưa các cháu đến trường. Bà tập thiền từ vài năm nay nhằm cải thiện trí nhớ và giúp tĩnh tâm.
Nghệ sĩ Đức Lưu và chồng GS-TS Trần Hạ Phương.
ở tuổi 84, nghệ sĩ Đức Lưu có cuộc sống an nhàn, vui vẻ bên con cháu và tận tâm với công tác thiện nguyện.
Thời gian rảnh, bà đọc sách, xem phim, thời sự trên VTV1 và nghe nhạc. Chiều mát trời thì nhờ con chở đi dạo phố vài vòng hay bắt taxi sang chơi nhà bạn. Thỉnh thoảng bà dự sinh hoạt của các hội tham gia ở khu phố.
Dù ở tuổi 84 nhưng NSƯT Đức Lưu vẫn rất khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh vặt. Trong một bài phỏng vấn gần đây, nghệ sĩ Đức Lưu tâm sự rằng, ở cái tuổi gần đất xa trời như bà mà gia đình sung túc, con cháu thành đạt, lại được đi đó đây như bà thì không còn gì nuối tiếc.
Nữ nghệ sĩ chỉ xin có sức khỏe để được nhìn các cháu khôn lớn, có điều kiện giúp đỡ thêm người nghèo. Bà cũng mong ước đủ duyên để viết một quyển hồi ký ghi lại chặng đường nghệ thuật và cuộc đời đã qua. Đối với bà, mỗi ngày đều trôi qua nhẹ nhàng, không phiền muộn. Bà bằng lòng với những gì đang có để tự thấy mình còn hạnh phúc.
Cuộc sống ở tuổi 83 của diễn viên Đức Lưu sau 40 năm đóng Thị Nở
NSƯT Đức Lưu – diễn viên gắn với hình ảnh Thị Nở kinh điển trên màn ảnh Việt ở tuổi 83 chỉ chăm làm từ thiện và không màng đến danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
NSƯT Đức Lưu.
– Nhiều khán giả từng xem ‘Làng vũ đại ngày ấy’ đến giờ vẫn nhớ đến bà với vai diễn kinh điển Thị Nở. Cuộc sống hiện tại của NSƯT Đức Lưu ra sao?
Ở tuổi 83 tôi vẫn rất khỏe mạnh và giờ tôi có thêm một nghề mới là đi làm từ thiện. Sắp tới tôi lại đi làm từ thiện ở những nơi người dân nghèo đói ở Bắc Kạn. Tôi đi gom giày dép quần áo để đi làm từ thiện, tiền có khi không có nhiều nhưng có thể cho họ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Đi như thế tôi được tiếp xúc với nhiều khán giả, nhận ra có nhiều người lao động nghèo khổ và thấy đất nước mình quá đẹp trong khi xưa nay mình cứ chỉ quanh quẩn ở Hà Nội. Trời cho mình khỏe mạnh thì tôi vẫn đi.
– Ở cái tuổi xưa nay hiếm, độ tuổi của bà nhiều người chỉ ngồi thở thôi còn mệt, động lực nào khiến bà có thể chăm chỉ đi làm từ thiện xa nhiệt tình đến như vậy?
Tôi lăn lộn nhiều với cuộc sống và thấy nhiều cái không công bằng, nhiều người quá giàu nhưng nhiều người quá nghèo. Tôi cũng rủ được một nhóm người cùng chung suy nghĩ tham gia làm từ thiện nên cũng thấy hào hứng. Thêm nữa tôi rất tin vào tâm linh, ai làm từ thiện có phúc phần, làm tốt trời thương và sẽ đền bù cho mình.
Nhiều khi đi từ thiện dù mệt nhưng tôi lại thấy mình khỏe ra. Ngày trước tôi phải chăm chồng bị tai biến nằm liệt giường tới 5 năm. Nhiều khi chăm ông ấy có lúc tôi nghĩ mình phải chết trước vì vất vả lắm mà hết nhẵn tiền của. Lúc ông ấy qua đời tôi tưởng mình cũng đi theo luôn mà đến giờ thoắt cái đã sắp đến cái giỗ thứ 10. Đúng là tôi được trời phú có sức khỏe, có niềm tin và sau đó lại có thêm nghề tích đức là làm từ thiện.
Nghệ sĩ Đức Lưu sinh năm 1939. Trong sự nghiệp bà mới chỉ đóng hai phim điện ảnh, gần nhất ‘Làng vũ đại ngày ấy’ đã 40 năm.
– Bà còn sắp đóng phim trở lại nữa phải không?
Đúng vậy, tôi sẽ tham gia một bộ phim về Hà Nội. Nhà biên kịch Hồng Ngát nói sẽ dành cho tôi cho một vai nên tôi hào hứng và mong vô cùng. Sau vai Thị Nở, gần nửa thế kỷ tôi không đóng phim. Trước đó, từ ‘Cô gái công trường’ năm 1962 tới ‘Làng vũ đại ngày ấy’ năm 1982 là 20 năm tôi không đóng phim. Tuy nhiên chính vai Thị Nở đã giúp tôi được nhiều người biết đến.
– Câu chuyện danh hiệu của bà đã được nhắc tới nhiều bởi bao năm bà mới được nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Có ý kiến cho rằng bà xứng đáng là nghệ sĩ nhân dân từ lâu rồi, bà nghĩ sao?
Tôi thấy mình là nghệ sĩ ưu tú nhưng nhiều người còn biết đến tôi hơn cả nghệ sĩ nhân dân. Chính vì thế tôi cũng không băn khoăn gì chuyện danh hiệu bởi quan trọng là khán giả biết đến mình, còn danh hiệu chỉ là cái danh. Cũng có người bảo tôi sao không làm đơn để lên nghệ sĩ nhân dân nhưng tôi nói chẳng cần thiết. Trước tôi nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cũng rất chậm vì không làm đơn xin. Tôi nghĩ cái danh không quan trọng.