Không ngại ngâm mình trong nước lũ cả ngày lẫn đêm, công an xã Quảng Hoà, Quảng Bình đã kịp thời sơ cứu người dân và đặc biệt có cháu bé sơ sinh 1 tháng tuổi.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Người dân miền Trung đã phải oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Các cán bộ, chiến sĩ và tình nguyện viên đã hoạt động cả đêm lẫn ngày, cố gắng không để thêm một người dân nào bị cô lập, bị bão lũ nhấn chìm.
Việc làng, việc xã chưa xong thì việc nhà cứ để sau. Họ sẵn sàng hy sinh những hạnh phúc của mình vì sự bình yên của nhân dân… Có cán bộ sau khi phát đồ cứu trợ cho bà con xong kiệt sức mà ra đi mãi mãi…. Đau xót!
Nhưng vẫn luôn ở bên cạnh người dân, không bỏ một ai ở lại. Trong thời khắc lũ lên cao, nước ngập đến mái nhà, nhiều gia đình không có gác xép, không có tầng nên nguy cơ đuối nước rất cao.
Trước tình hình đó, lực lượng cứu hộ của các chiến sĩ công an xã Quảng Hoà, Quảng Bình đã chống thuyền đến các hộ dân bị ngập nước, hỗ trợ tất cả bà con di dời đến nơi an toàn.
Bất chấp nước cao đến tận cổ, các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ dưới làn nước lạnh nhường thuyền cho người già, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt khoảnh khắc sơ tán một gia đình chỉ có một sản phụ, bé sơ sinh 1 tháng tuổi và cụ già đang mắc kẹt tại gác lửng, nước đã dâng cao tới gác cực kì nguy hiểm.
Nhận được tin báo, đội cứu hộ đã lập tức trèo thuyền vào nhà dân. Vị trưởng Công an xã Quảng Hoà cùng đồng đội đã phải lặn xuống nước sâu 1,5m mới tiếp cận được cửa và mở chốt cổng nhà.
Không chậm chễ một giây phút nào, đội công an xã đã giải cứu gia đình sản phụ thành công, khoảnh khắc một chiến sĩ công an gồng mình lội nước lũ nâng cao cháu bé sơ sinh lên cao thoát ra khỏi căn nhà ngập nước khiến mọi người vỡ oà xúc động.
“Tôi cũng bối rối lắm, vì vợ còn chưa có làm sao biết bế trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh. Nhưng phải cố gắng làm sao đưa cháu ra khỏi nơi nguy hiểm nhanh nhất. Tôi vẫn xúc động khi nhớ lại lúc nắm bàn tay nhỏ xinh của bé. Khi đưa mẹ con cháu ra đến nơi an toàn, cảm giác thấy hạnh phúc một cách bình dị như một hơi thở đầy ô xi. Tan biến bao mệt mỏi”, Thiếu úy Lê Quang Vũ chia sẻ lại khoảnh khắc bế đứa trẻ sơ sinh trong tay.
Sau đó, đội công an xã cũng nhường chiếc thuyền cho gia đình sản phụ, cùng nhau đẩy thuyền đến trú ẩn ở nơi an toàn.
Nhiều người thắc mắc tại sao các anh không lên thuyền đi thì Thiếu uý cũng chỉ mỉm cười thật thà giải thích chỗ nào còn thấy thì bám men bờ tường mà kéo xuồng đi chứ chủ yếu là lội nước đẩy xuồng đi. Chỗ trên thuyền là để nhu yếu phẩm dành cho dân khỏi bị ngâm nước hỏng mất.
“Những ngày cao điểm ngập lụt, chúng tôi nhận 30-40 cuộc điện thoại kêu cứu của người dân. Gần như cả ngày ngâm mình trong nước. Về trụ sở trực thì không yên tâm, chỉ sợ khi bà con cần mà mình đến muộn thì trách nhiệm và lương tâm không cho phép”, Thiếu úy Vũ nói.
Lũ rút, đội công an xã cũng vẫn tiếp tục đến từng hộ gia đình để thăm hỏi và hỗ trợ khắc phục hậu quả, dọn dẹp lại nhà cửa để ổn định dần cuộc sống.
Đường thôn vẫn còn vương bùn đất, những chiến sỹ công an chỉ đi đôi dép thường, quần sắn tới đầu gối. “Giầy tất, quân phục ướt sũng cả tuần, mưa gió thế này khô sao kịp. Các O gọi là chúng tôi chạy tới ngay. Việc gì cũng làm được hết”, Đại úy Trung nói.
Vì nước quên thân vì dân quên mình là vậy. Họ luôn mang trọng trách vì dân. Việc ở cơ sở còn hơn “con mọn” chứ chưa nói gì đến lúc bão lụt lúc người dân đang cần sự giúp đỡ hơn bao giờ hết.
Mtuan(Tổng hợp)/Thongtinngaynay.com