Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023
Google search engine
HomeGiải Trí"Góc khuất" ngành truyền hình thời kì đầu: BTV không qua trường...

“Góc khuất” ngành truyền hình thời kì đầu: BTV không qua trường lớp, dùng xe lôi để monitor

Mới đây, trong chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8 với chủ đề Bật tivi tìm ký ức, phát sóng trên VTV1 tối 23/8, những nghệ sĩ gạo cội của thời kì đầu làm truyền hình đã bật mí câu chuyện “bếp núc” khiến khán giả vô cùng bất ngờ.

Chủ đề Bật tivi tìm ký ức tháng 8 giúp người xem có dịp được gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ về chuyện nghề của những người làm truyền hình ở VTV từ ngày đầu tiên cách đây 50 năm.

Đó là NSƯT Kim Tiến, nhà quay phim- nhà báo Nguyễn Văn Vinh,  nhà quay phim – nhà báo Thùy Vân, phóng viên thời sự Bích Thu, phát thanh viên – nhà báo Bích Ngọc… và cả GS. Nguyễn Lân Dũng.

GS. Nguyễn Lân Dũng

Xuất hiện tại chương trình Quán Thanh Xuân vẻ ngoài và dáng đi của GS. Nguyễn Lân Dũng đã nhuộm màu thời gian. Nhưng cách nói chuyện hài hước, hấp dẫn ấy thì vẫn là “thương hiệu” mà khán giả không thể quên ở vị “giáo sư biết tuốt”.

GS. Nguyễn Lân DũngTôi có 10 năm cộng tác và làm chương trình KCT – Khoa học công nghệ trên truyền hình.

Tôi rất vui và biết ơn khi tham gia chương trình đó, bởi những câu hỏi của khán giả sau này tôi tập hợp lại cùng phần trả lời của mình, tôi in thành sách và được khoảng 30 tập “Hỏi gì đáp nấy”. Điều này cho tôi rất nhiều niềm vui khi đem những kiến thức phổ cập cho mọi người.”

“Trong quá trình làm thì nhiều chuyện vui lắm” – vị giáo sư nổi tiếng kể tiếp – “Tôi nhớ có khán giả hỏi “Tại sao con chó ăn bẩn thế mà răng nó trắng thế, nó còn cắn gãy cả xương?”.

Tôi trả lời: Cháu ơi tại sao cháu lại so sánh chó với người vì đây là hai loài khác nhau. Nhưng câu hỏi của cháu hay đấy, bây giờ mọi người đang làm i-pốc-xi để mạ lại răng, có khi phải nghiên cứu men răng của chó, trong khi cải tiến răng cũng trắng được như răng chó (cười).””.

Nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh

Nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh chia sẻ, thời kỳ đầu làm truyền hình và thực hiện quay phim, ngay cả monitor cũng không có. “Hồi ấy chú Lê Quý phải mang một chiếc xe nôi dành cho trẻ con mà chú phải đi nước ngoài mua để để monitor lên cho phát thanh viên xem.

Đấy là một kỷ niệm mà các phát thanh viên và những người làm quay phim chúng tôi thời kỳ đầu không thể nào quên”.

Nữ quay phim kỳ cựu Thùy Vân

Nữ quay phim kỳ cựu Thùy Vân cho biết thêm, những năm 71, 72 mới có hơn 20 tuổi nên ai cũng hăng hái, ham học hỏi. Ngày trước không ai biết truyền hình là gì cả, thế là lãnh đạo đài lúc ấy là ông Trần Lâm (Tổng giám đốc VTV đầu tiên) đã cho mọi người sang Cuba để học.

Khi ấy những người như Thùy Vân mới có thầy. “Khi mà tiếp quản miền Nam, tất cả những người làm truyền hình ở miền Bắc vào Đài truyền hình TP. HCM và sử dụng được hết các thiết bị tiên tiến của Mỹ” – bà nhớ lại.

Phóng viên thời sự Bích Thu

Trong ký ức của PV thời sự Bích Thu cũng lưu giữ những kỷ niệm khó quên. Theo bà, thời gian đầu bà và đồng nghiệp đi quay phim, chủ yếu là phim nhựa. Những thước phim ấy phải trải qua một xưởng in tráng.

Khi dựng những cảnh phim thì đạo diễn và biên tập cắt từng cảnh ra, treo lên trên nên khi phát sóng lên truyền hình, những mấu nối ấy bị đứt ra. Vậy là trên màn hình, những người thực hiện chương trình như Bích Thu lại phải để bảng chữ “Xin lỗi các bạn về sự cố”.

“Giọng đọc huyền thoại” – NSƯT Kim Tiến

NSƯT Kim Tiến chia sẻ, thời của cô chẳng có trường lớp nào dạy làm phát thanh viên, chẳng ai hướng dẫn lên hình phải như thế nào, công việc của cô và các cộng sự giống như ”người đi khai hoang vì chưa được nhìn ai đi trước làm cả”, tất cả đều là bản năng, tự tập luyện trước gương.

“Lúc đấy chưa có vệ tinh để xem các nước, chỉ có đài vệ tinh mặt đất Hoa Sen I thì cũng chẳng được xem nhiều. Tôi nghĩ quan trọng nhất, muốn người xem yêu mến mình phải là khán giả đã. Chúng tôi hàng ngày tập trước gương, nhìn mình rồi rút kinh nghiệm cho mình”, NSƯT Kim Tiến chia sẻ.

NSND Thu Hiền,  NSND Trung Đức (đứng giữa) và hai MC trong chương trình Quán thanh xuân.

Phát thanh viên Bích Ngọc

Đối với các phát thanh viên “đời đầu” như Bích Ngọc, NSƯT Kim Tiến họ cũng có các câu chuyện “luyện tập” để lên sóng không phải ai cũng biết.  50 năm trước, theo phát thanh viên Bích Ngọc, phòng phát thanh viên rất ít người.

Hằng ngày tập lên hình thì ngồi trước gương, nhìn vào gương và xem đấy là những khán giả của mình. Tập diễn xuất, tập nói để làm sao khuôn hình thấy được miệng phải tươi, dáng vẻ phải thật tự nhiên, gần gũi. Bích Ngọc tập tiếng nữa, phải tập đọc làm sao tròn vành rõ tiếng. Công việc ấy càng làm càng thấy yêu thích bởi sự mới mẻ.

Những chia sẻ của những nghệ sĩ gạo cội của thời kì đầu làm truyền hình khiến khán giả không khỏi bất ngờ và xúc động. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các nghệ sĩ đã bằng mọi cách mang đến cho khán giả nhiều thông tin bổ ích và những món ăn tinh thần đúng nghĩa.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments