37 năm sau ngày đầu ra mắt, dàn diễn viên phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười đã có nhiều thay đổi trong sự nghiệp diễn xuất cũng như cuộc sống hôn nhân.
Ra mắt năm 1984, Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười là bộ phim chứa đựng nhiều tâm huyết của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim đã được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng lớn như: Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985; Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 1989,…
Ngày 15 tháng 9 năm 2008, CNN đánh giá “Bao giờ cho đến tháng Mười” là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.
Phim nói về thân phận, nỗi đau, sự mất mát của người dân Việt Nam trong thời chiến. Trong bối cảnh loạn lạc, đói khổ con người vẫn tìm cách để sẻ chia, đồng cảm với nhau.
NSƯT Lê Vân vào vai Cô Duyên “đa đoan” – người vợ đi thăm chồng chiến đấu ở biên giới Tây Nam nhưng hay tin chồng đã hy sinh. Trên đường về nhà, cô đau đớn tới ngất đi, ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu. Duyên nhờ Khang giấu kín chuyện đồng thời nhờ anh thi thoảng viết thư giả người chồng để thăm hỏi gia đình. Duyên vừa âm thầm chịu đựng nỗi đau mất chồng, vừa chịu những lời dị nghị của anh em, xóm làng vì mối quan hệ với Khang. Vai diễn cô Duyên đã mang lại cho Lê Vân danh hiệu Bông sen vàng dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam năm 1985.
Sau Duyên, NSƯT Lê Vân tiếp tục thành công vang dội với những vai diễn để đời như Xoan trong Thằng Bờm, tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì, vai Quyên trong Thương nhớ đồng quê…
Sinh năm 1958, NSƯT Lê Vân là một trong số ít những nghệ sĩ sinh ra trong gia đình có cả 5 thành viên đều theo nghệ thuật. Bố cô là NSND Trần Tiến, mẹ là NSƯT Lê Mai cùng các chị em NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi.
Lê Vân mang một vẻ đẹp vừa man mác, vừa thẳm sâu và phẳng lặng hồ thu. Vẻ đẹp điển hình của người con gái Hà Nội xưa.
Nhắc đến Lê Vân, ai cũng biết cô là một trong những nữ diễn viên thuộc thế hệ đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhưng ít ai biết NSƯT Lê Vân lại khởi nghiệp từ diễn viên múa.
Về đời tư, NSƯT Lê Vân từng trải qua nhiều thăng trầm khi có tới 2 lần gãy gánh hôn nhân. Chỉ đến khi gặp được Abraham (người Hà Lan) Lê Vân mới quyết định rời xa quê hương để sống cuộc sống bình yên bên trời Tây. Cuộc tình của họ bắt đầu đầy ngang trái nhưng bằng tình yêu chân thành và sự cảm mến không thể tách rời mà hai người nên duyên vợ chồng cùng nhau sống hạnh phúc ở nước ngoài.
Con trai thứ 2 của NSƯT Lê Vân
Dù hiện tại, cô đã rời xa điện ảnh, sống thu mình sau cái nhộn nhịp thủ đô nhưng nếu ai đó tình cờ nhắc đến tên Lê Vân, một hào quang tuổi tiếng và nhan sắc thuở nào lại ào ạt ùa về. Ở con người chị có thứ vẻ đẹp vừa sắc sảo, vừa buồn man mác… có cái gì đó thẳm sâu mà cũng có cái gì đó lạnh lùng, phẳng lặng hồ thu. Một nét đẹp chất chứa nhiều đa đoan, nhiều đau khổ… nhan sắc điển hình cho những “Đại mỹ nhân” đất Hà Thành xưa!
NSƯT Hữu Mười vào vai thầy giáo Khang.
Trong phim, Khang là một người thầy giáo nhân hậu, tâm lý và vô cùng sâu sắc. Anh đã cứu sống được Duyên khi cô bị ngã xuống sông trên đường từ biên giới Tây Nam trở về.
Tình cờ biết được nỗi đau mất chồng của Duyên, thầy giáo tốt bụng đã giúp cô thay người chết viết thư về cho gia đình Duyên yên tâm. Từ chỗ chỉ là tình thương, sự đồng cảm với nỗi đau của Duyên, Khang dần cảm mến cô. Anh viết một bức thư bày tỏ tâm tư với Duyên và bị người nhà cô phát hiện. Khang phải bỏ tới nơi khác dạy học để giữ cuộc sống yên ổn cho Duyên. Vai diễn đem đến cho Hữu Mười giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ bảy (1985).
Trước khi vào vai thầy giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng Mười, ông đã tham gia nhiều phim như Khôn dại, Ngày ấy ở sông Lam, Phương án ba bông hồng và đặc biệt là vai giáo Thứ trong Làng Vũ Đại ngày ấy.
Năm 1987, nghệ sĩ sang Nga theo học ngành đạo diễn. Phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy” do ông đạo diễn đoạt Cánh Diều Vàng năm 2011. Hiện ngoài công việc đạo diễn, NSƯT Hữu Mười còn giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ông có một vợ, hai con – con trai lớn chuẩn bị tốt nghiệp Đại học, con gái nhỏ học lớp 10.
Đặng Lưu Việt Bảo đảm nhận vai Nam – người chồng đã chết của Duyên.
Chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài phân đoạn nhưng gương mặt điển trai, khắc khổ cùng ánh mắt bất động của một người chết do anh thủ vai ám ảnh người xem. Những câu thoại của nhân vật này cũng là thông điệp chính của bộ phim: “Những người ngã xuống vì đất nước chỉ mong người sống được hạnh phúc”.
Việt Bảo là sinh viên khóa hai của trường Sân khấu Điện ảnh. Năm 1986, hãng phim truyện Việt Nam cử anh đi học đạo diễn ở Nga trong 10 năm. Trở về Việt Nam năm 1996 cũng là khi cuộc hôn nhân của anh đổ vỡ. Năm 2003, khi hai con sang Mỹ định cư với mẹ, đạo diễn chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sống và độc thân từ đó tới nay.
Trịnh Phong vào vai bé Tuấn – con của Duyên trong phim. Đầu phim, Tuấn chỉ là đứa trẻ còn ở tuổi ăn, tuổi chơi. Cuối phim, trong lúc ông nội sắp mất, Tuấn tự bắt xe lên huyện đi đánh điện cho bố về nhìn mặt ông lần cuối. Trên đường đi, cậu bé được nghe thông tin về cái chết của bố từ một người bộ đội. Tuấn tỏ ra hiểu chuyện, đưa người bộ đội về nhà, dặn không được nói với ông sự thật. Diễn xuất già dặn của Trịnh Phong đoạn cuối phim được đánh giá cao.
Trịnh Phong chính là Trịnh Lê Phong – một trong những đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng hiện nay với các phim Oan gia tương phùng, Máy bay ký sự, Bản di chúc bí ẩn, phim sitcom Bótay.kom…Hiện anh cũng là đạo diễn của các chương trình truyền hình như Hành trình kết nối những trái tim…
Ảnh tổng hợp
Ảnh tổng hợp
Nguyễn Minh Vượng đảm nhận vai Thơm – cô giáo trẻ, dạy cùng trường với Khang. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết đây là vai diễn để lại ấn tượng rất sâu sắc với ông.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhớ cảnh cuối cùng của phim là cảnh ngày khai giảng, Thơm ra đón con Duyên vào lớp một. “Trong lễ chào cờ, cô cầm tay cháu bé, ngước nhìn lá cờ Tổ quốc trên cao và một giọt nước mắt từ từ lăn trên má… Đó là giọt nước mắt cuối cùng trong phim. Tuy là một vai phụ, nhưng ý nghĩa mà nó đảm nhiệm trong phim không nhỏ chút nào.
”Nghe đâu sau phim đó cô đã chuyển nghề và không đóng phim nào nữa. Không biết bây giờ cô ở đâu, làm gì trong những năm qua? Cô có bao giờ xem lại vai diễn đầu tiên và duy nhất của mình trong điện ảnh không?”, đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự.
Cố nghệ sĩ Lại Phú Cương vào vai bố chồng của Duyên – một người bố thương con trai và tâm lý với con dâu. Ông có hai con trai, người con đầu đã hy sinh. Cho đến lúc nhắm mắt, ông vẫn không hề hay biết người con trai thứ cũng đã mất và đinh ninh rằng con mình đã trở về. Lại Phú Cương là nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam, từng tham gia những bộ phim kinh điển khác như Bão biển, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Ông qua đời cách đây đã lâu, được cho là vì bệnh lao phổi.
Tổng hợp
Nhật Linh/Thogtinngaynay.com